Sáu mươi năm trước-năm Kỷ Hợi 1959, giữa ngổn ngang khó khăn sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đang bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế thì vui mừng được tin Bác Hồ về thăm.
Trong tài liệu “Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2005” có viết: Sáng 07/5/1959, đúng vào Ngày kỷ niệm 5 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử, tại sân vận động thủ phủ Khu tự trị Thái-Mèo (năm 1962 đổi tên lại là Khu tự trị Tây Bắc) lúc đó đặt tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã diễn ra cuộc mít-tinh lớn chào mừng Bác Hồ và đoàn công tác Trung ương. Hơn mười nghìn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền náo nức chờ giây phút được đón Bác Hồ, được nghe Bác nói chuyện.
Tài liệu “Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2005” cũng như trong ký ức của các bậc cao niên ở Sơn La vẫn khắc ghi chi tiết: Tại Thuận Châu, khi đang nói chuyện, mọi người đang chăm chú hướng lên khán đài, Bác nhìn một lượt rồi bất ngờ hỏi một câu bằng tiếng dân tộc Thái: “Pi noọng phăng hụ báu?” (Anh em nghe tôi nói có hiểu không?).
Mọi người ngỡ ngàng, lặng đi giây lát, rồi đồng thanh đáp: “Hụ dá lọ!” (Có ạ! Hiểu rồi ạ!). Rồi từ trong đám đông có tiếng hô vang: “Pú Hô xen pi, Pú Hô xen pi” (Cụ Hồ sống lâu! Cụ Hồ muôn năm!), thế là mọi người hô theo, tiếng vang dội vào vách núi, lan truyền như những đợt sóng âm vang cả núi rừng. Nhiều cụ già sung sướng trào nước mắt, vì lần đầu được nghe Bác Hồ nói tiếng của dân tộc mình.
Ngày 08/5/1959, trên đường di chuyển từ Thuận Châu về Hà Nội, sau khi thăm huyện Yên Châu, Bác đã đến thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Mộc Châu. Tại sân vận động Uỷ ban hành chính huyện, từ 5h sáng tất cả các ngả đường, cán bộ, bộ đội, công nhân, học sinh ăn mặc quần áo đẹp nhất, ai cũng mang theo cờ hoa, biểu ngữ đi đón Bác.
Ông Lường Văn Trọng, hơn 70 tuổi, ở bản Pán, xã Chiềng Ly (huyện Mộc Châu) là người vinh dự được gặp Bác Hồ năm đó. Ông bồi hồi cho biết: Khi đó, sân vận động ken kín người và cờ hoa. “Tôi mới 14 tuổi; đến bây giờ cảm xúc khi được nhìn thấy Bác bằng da, bằng thịt vẫn còn in đậm trong trái tim”, ông Lường Văn Trọng xúc động nói.
Ông Trọng cũng như các bậc cao niên ở Sơn La vẫn nhớ như in những lời Bác dạy sáu mươi năm trước. Người căn dặn: “Ngày nay, đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, quét sạch hết bọn phá hoại làm cho mọi người đều được no ấm, đều được biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”.
Sáu mươi năm đã qua, khắc ghi lời Bác dạy, Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng đã nỗ lực không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, dệt nên những mùa hoa ban đẹp. Những tuyến đường bê tông, trải nhựa rộng mở về với bản, với mường. Từng dòng sông, con suối đã được chế ngự thành nguồn thủy năng vô tận.
Nơi chân núi, triền đồi ngút ngàn cà phê, cây trái, chè xanh gọi nắng, lúa đầy bồ, ngô thêm hạt cùng những rừng cao su tạo nguồn “vàng trắng”; từng công trình, cụm công nghiệp mọc lên, phố núi, bản mường điện sáng thay sao, rộn ràng câu khắp, vấn vít điệu xòe đậm âm hưởng dân gian hòa quyện trong cung bậc núi rừng...
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng Tây Bắc thực sự đang chuyển mình rời khỏi “lõi nghèo” cả nước. Năm 2019, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức kỷ niệm sáu mươi năm ngày Bác Hồ cùng đoàn công tác Trung ương lên thăm Tây Bắc. Những hoạt động kỷ niệm sẽ một lần nữa làm sâu sắc thêm những căn dặn, mong muốn của Bác Hồ đối với cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đưa Tây Bắc ngày một phát triển, phồn vinh.
SỸ HÀO