Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sau vinh danh lại càng nỗ lực phấn đấu

PV - 10:15, 13/11/2018

Được vinh danh trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu là một trong những vinh dự lớn. Nhưng, không dừng lại ở đây, nhiều bạn trẻ đã biến giải thưởng trở thành động lực để tiếp tục “giữ lửa” và “truyền lửa” cho thế hệ học sinh tiếp theo. Em Dương Thị Thủy, dân tộc Dao, cựu học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Yên Bái là một ví dụ.

Dương Thị Thủy trong ngày tốt nghiệp đại học. Dương Thị Thủy trong ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà nội năm 2017.

Năm 2013, em Dương Thị Thủy, học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Yên Bái được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu do Ủy ban Dân tộc phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. 4 năm học sau đó, Thủy thường xuyên được nhận học bổng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, với tấm bằng cử nhân xuất sắc, đứng thứ 3 toàn khoa Sử, Thủy được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tuyển đặc cách về làm giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành. Không dừng lại ở đây, hiện nay, Thủy tiếp tục thi cao học và đỗ thủ khoa đầu vào để theo đuổi ước mơ.

Đối với các bạn sống ở những địa bàn thuận lợi thì những thành tích ấy cũng không khó để đạt được. Nhưng đối với Thủy là cả một hành trình phải vượt qua với bao khó khăn, vất vả. Thủy sinh ra trên mảnh đất xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, tuổi thơ của em là những ngày lặn lội đến trường. Lên đến bậc học THPT cơ sở, ngày nào em cũng đi bộ ngót 4 cây số đường rừng từ khi mặt trời còn chưa thức giấc. Ngày không phải đi học, cô bé Dương Thị Thủy lại lẽo đẽo theo mẹ lên nương trồng quế, trồng sắn.

Bởi vậy, càng học lên cao, bạn bè trong xã em lại càng vơi dần. Đám con trai thì về quê đi làm phụ cha mẹ, đám con gái thì nghỉ học ở nhà chuẩn bị lấy chồng. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, dù ngày nắng hay mưa, suốt 4 năm ấy, Thủy chưa bỏ học một ngày nào.

Lên đến THPT đôi chân em không còn phải băng rừng lội suối nữa nhưng phải dằn lòng khi nỗi nhớ nhà quặn thắt. Xa bản làng, xa cha mẹ vào học tại Trường THPT DTNT tỉnh Yên Bái, Thủy đã tự nhủ không được phụ công những người đã sinh thành dưỡng dục. Bởi vậy, suốt những năm tháng ấy, em đã nỗ lực dùi mài kinh sử. Có những đêm mưa dầm gió bắc lạnh buốt đôi tay, nhưng trong ký túc xá của Trường DTNT, người ta vẫn thấy một ánh đèn le lói nhưng bền bỉ sáng suốt canh thâu.

Những cố gắng ấy của em cuối cùng cũng đã được đền đáp, năm 2012, Thủy vinh dự đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh và giải Ba học sinh giỏi toàn quốc môn Lịch sử. Năm 2013, tại Thủ đô Hà Nội, Dương Thị Thủy cùng 105 bạn học sinh DTTS xuất sắc khác đã được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu.

Dương Thị Thủy Dương Thị Thủy (thứ 2 bên phải)  cùng bạn bè trong lễ ra trường.

“Giữ lửa” đam mê

Dương Thị Thủy tâm sự, đứng trên bục danh dự nhận giải thưởng do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc trao tặng là một hạnh phúc của riêng em. Thế nhưng em cũng ý thức rằng, giải thưởng ấy không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm thôi thúc em tiếp tục phấn đấu.

Là học sinh DTTS có nhiều cố gắng, tuy nhiên, bước chân về Thủ đô học cùng các bạn đến từ mọi miền đất nước, trong đó có những bạn ở thành phố có điều kiện học hành thuận lợi, bước đầu Dương Thị Thủy cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Thủy thật thà chia sẻ, nhiều bạn trong lớp học của em được gia đình đầu tư học hành nên nền tảng kiến thức rất tốt, nhất là môn Ngoại ngữ. Do vậy, để theo kịp các bạn, em càng phải cố gắng nhiều hơn. “Đi nhanh hay chậm không thực sự quan trọng, quan trọng là mình phải kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc”, Thủy tự tin nhấn mạnh.

Có lẽ nhờ những suy nghĩ tích cực cùng với hành động chăm chỉ, bền bỉ nên trong 4 năm học đại học, Thủy liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Kỳ học nào, em cũng giành được học bổng và giấy khen của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Không chỉ nỗ lực trong học tập, Dương Thị Thủy còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn, tham gia các hoạt động văn nghệ và phong trào thanh niên tình nguyện ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, năm 2016, em đã được học lớp bồi dưỡng về nhận thức Đảng.

Năm 2017, Dương Thị Thủy tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng xuất sắc. Sau đó em nhận liền một lúc 2 quyết định đỗ thủ khoa lớp cao học chuyên ngành Lịch sử thế giới (Đại học Sư phạm) và quyết định được nhận về công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái. Thủy cho biết, lúc đó em cũng rất băn khoăn nên chọn quyết định theo hướng nào, nhưng rồi niềm đam mê đã thôi thúc em chọn làm cả 2 việc cùng lúc. Vậy là hàng tuần sau khi dạy xong, ngày cuối tuần em lại bắt xe khách hàng trăm cây số về Thủ đô để tiếp tục học cao học.

“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Là một cô giáo trẻ thuộc thế hệ 9X, Dương Thị Thủy không chỉ dành được cảm tình của đồng nghiệp, cô còn là một tấm gương sáng, nguồn cảm hứng để học sinh phấn đấu noi theo. Hiện nay, cô Thủy đang đảm nhiệm giảng dạy môn Lịch sử của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Ngoài công việc giảng dạy, cô Thủy hiện còn là thành viên trong Ban Chấp hành Đoàn trường. Với vai trò này, cô đã cùng với Đoàn trường tích cực tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, như tổ chức Lễ hội Halowen, chào khối mới. Đặc biệt, trong những ngày Kỷ niệm Hiến chương Nhà giáo (20/11) đang đến gần, cô Thủy cùng giáo viên nhà trường cùng nhau phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Mặc dù mới về công tác tại Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, nhưng cô giáo Dương Thị Thủy đã được nhà trường phân công hướng dẫn 2 bạn học sinh khối 10 nghiên cứu khoa học để tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học-kỹ thuật cấp tỉnh sắp diễn ra tới đây.

Em Cao Thị Quỳnh Giang chia sẻ: “Từ tháng 9/2018, em cùng bạn Trần Thị Ninh Kiều (lớp 10 Toán Tin) đã được cô Dương Thị Thủy hướng dẫn nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội hành vi. Mặc dù, chúng em biết cô rất bận, thế nhưng cô luôn dành những giờ nghỉ ngơi của mình sau mỗi buổi học để trao đổi hướng dẫn chúng em nghiên cứu. Cô Thủy rất trẻ trung, năng động, cô có phương pháp hướng dẫn chúng em cũng rất tận tình, dễ hiểu. Làm việc với cô, chúng em như được tiếp thêm động lực để học tập và nghiên cứu khoa học”.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.