Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25%

BĐT - 10:05, 23/04/2022

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25% trong tuần trước Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

 Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm ngừa COVID-19 cho người dân ở Mexico (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm ngừa COVID-19 cho người dân ở Mexico (Ảnh: Reuters)

WHO cho biết, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong tuần từ 11-17/4 là gần 5,59 triệu ca, giảm 24% so với tuần trước đó. Số ca tử vong liên quan COVID-19 cũng giảm 21% còn 18.215 ca trong tuần trước.

WHO cho biết mọi khu vực đều ghi nhận số ca mắc giảm, riêng các nước châu Mỹ tỷ lệ giảm chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc COVID-19 được thống kê cũng giảm.

Các nước có số ca mắc mới cao nhất trong tuần qua là Hàn Quốc với hơn 972.000 ca, Pháp với hơn 827.000 ca và Đức là 769.000 ca. Trong khi đó, số ca tử vong được ghi nhận nhiều nhất tại Mỹ (3.076 ca), Nga (1.784 ca) và Hàn Quốc (1.671 ca).

Trong khi đó, trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 23/4 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 644.483 ca nhiễm, 2.237 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 508.391.559 ca, trong đó 6.238.548 ca tử vong và 460.808.180 ca đã được chữa khỏi.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (188.715.256 ca), tiếp theo là châu Á (146.644.112 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (97.747.366 ca) và Nam Mỹ (56.651.743 ca). Châu Phi (11.859.818 ca) và châu Đại Dương (6.772.543 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tính theo số ca mắc, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 với 82.588.612 ca mắc, trong đó 1.017.758 ca tử vong. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở nước này là 34.554 ca.

Tại châu Á, kể từ ngày 22/4, Malaysia sẽ dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Quy định mới cũng sẽ không còn phân biệt giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 và biểu hiện triệu chứng được khuyến khích tự cách ly và xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh và xét nghiệm thêm vào ngày thứ 3 sau khi xuất hiện triệu chứng.

Singapore từ ngày 26/4 tới cũng sẽ nới lỏng hơn nữa một loạt biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có quy định số người được tụ tập, nới lỏng việc xuất trình chứng nhận tiêm vaccine, chấm dứt việc áp dụng gửi Cảnh báo Nguy cơ sức khỏe (HRN) đối với những người có tiếp xúc gần với ca mắc. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc ở các địa điểm “mang tính khép kín” và trên các phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện ngầm, xe taxi…) nhưng không bắt buộc ở ngoài trời.

Tại châu Âu, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã ban bố sắc lệnh của chính phủ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang sẽ vẫn bị bắt buộc tại những nơi thường có người dễ tổn thương lai vãng đến như trung tâm dưỡng lão, các cơ sở y tế và trên các phương tiện vận tải công cộng. Nhà chức trách Bồ Đào Nha nêu rõ đại dịch COVID-19 hiện chưa chấm dứt, do vậy, các biện pháp hạn chế có thể sẽ lại thay đổi tùy theo nhu cầu trong tương lai.

Tại châu Mỹ, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga ngày 22/4 đã chính thức thông báo quyết định chấm dứt giai đoạn khẩn cấp về y tế quốc gia được áp dụng tại quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 2/2020. Thông cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết, trong thời gian gần đây nước nay ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới và tử vong giảm tới hơn 80% so với giai đoạn đỉnh dịch hồi đầu năm nay khi xuất hiện biến thể Omicron. Hiện số ca bệnh nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế cũng giảm mạnh.

Brazil là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi đại dich COVID-19. Theo thống kê chính thức, kể từ khi đại dịch bùng phát quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 30,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 662.500 trường hợp tử vong./.