Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn Dương (Tuyên Quang) : Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho người dân nghèo

Việt Hà - 17:40, 17/12/2023

Thời gian qua, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Nhiều ngành nghề đào tạo đã được mở rộng, phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đó giúp người dân có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.


Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương liên kết đào tạo công nhân may cho Công ty TNHH May Long Hà (Sơn Dương)
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương liên kết đào tạo công nhân may cho Công ty TNHH May Long Hà (Sơn Dương)

Sơn Dương là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Tuyên Quang với tổng số dân trên 200.000 người, gồm 20 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 31 xã, thị trấn, trong đó tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50%. Huyện Sơn Dương phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, nên tỷ lệ người lao động có nhu cầu học các nghề về trồng trọt, chăn nuôi và sửa chữa máy nông nghiệp chiếm trên 80%. 

Nhận thức việc đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sơn Dương đã tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tăng cường các các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân, tạo việc làm bền vững cho người dân nghèo, giúp họ tự lực vươn lên thoát nghèo.

Anh Mông Văn Hùng ở thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước kia anh chỉ biết sơ sơ về máy nổ, ở nhà anh tự mày mò, sửa máy nông nghiệp của gia đình. Sau khi được tham gia vào học xong lớp kỹ thuật sửa chữa máy móc nông nghiệp do xã, huyện tổ chức, anh đã tự tin mở cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Gia đình anh Nông Văn Dân người dân tộc Tày ở thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cũng đã vươn lên thoát nghèo sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề. Trước đây, gia đình anh Dân thuộc diện hộ nghèo ở tỉnh Tuyên Quang. Bôn ba làm đủ mọi nghề nhưng vẫn không đủ sống, thu nhập không ổn định. Đến năm 2018 anh Dân được tham gia khóa đào tạo nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương tổ chức. Khi đã có kiến thức về chăn nuôi thú y, anh đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại với trên 3 nghìn con gà, thu nhập trung bình cũng được trên 100 triệu đồng/ năm.

Anh Mông Văn Hùng phát huy tốt nghề sửa chữa máy nông nghiệp
Anh Mông Văn Hùng phát huy tốt nghề sửa chữa máy nông nghiệp

Không riêng anh Dân hay anh Hùng, hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện được tham gia các lớp đào tạo nghề, với các ngành nghề chủ yếu như: May công nghiệp, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, điện lạnh, cơ khí hàn, sữa chữa máy nông nghiệp, công nghệ ô tô, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp,...  Các khóa học đào tạo nghề đang trở thành nhu cầu thiết thực cho người lao động trên địa bàn huyện.

Ông Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương cho biết, từ khi được học các lớp đào tạo nghề, bà con xã Phúc Ứng đã phát triển kinh tế hiệu quả với trên 400 mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi. Xã đang phấn đấu hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu nguwòi sẽ đạt 48,2 triệu đồng/người/năm.  

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương, cho biết: Sau 10 năm triển khai công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 4.600 đối tượng. Trong triển khai đào tạo nghề, thực tế trung tâm đã bám sát vào đặc điểm vùng kinh tế từng xã trên địa bàn huyện, vùng nào có lợi thế về chăn nuôi thì sẽ tập trung mạnh đào tạo kỹ thuật, kiến thức về chăn nuôi. Vùng nào có lợi thế về đào tạo phi nông nghiệp, hàn, điện, may thì đào tạo về phi nông nghiệp, hàn, điện, may... Bên cạnh việc đào tạo, Trung tâm cũng kết nối với các daonh nghiệp trên địa bàn để tìm kiếm việc làm cho các đối tượng sau khi kết thúc khóa học nghề tại trung tâm. Vì vậy việc đào tạo nghề vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân vừa đáp ứng được yêu cầu của nhà máy, doanh nghiệp khi học viên học xong đáp ứng thị trường lao động địa phương.

Có thể thấy, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chìa khóa để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho người lao động. Sau khi hoàn thành chương trình học tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn học viên đã áp dụng hiệu quả các kỹ thuật vào lao động sản xuất, tự tạo việc làm nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

"Với nhiệm vụ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo huyện Sơn Dương tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, người dạy nghề và cán bộ quản lý. Trên cơ sở đó, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội; đẩy mạnh việc liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp nhằm thu hút lao động tham gia học nghề, đào tạo nghề gắn liền với việc làm; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Nguyễn Hùng Cường nhấn mạnh. 


Tin cùng chuyên mục