Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân tội phạm mua bán người: Nhân văn và trách nhiệm

PV - 10:36, 03/05/2019

Cuộc sống khó khăn, nhận thức và kỹ năng sống hạn chế đã khiến không ít phụ nữ, em gái, nhất là những phụ nữ, em gái người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa rơi vào cạm bẫy của những đối tượng buôn bán người, sống cuộc sống “đày ải nơi trần gian”. Thời gian vừa qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, nhiều nạn nhân đã được cứu thoát trở về, bước đầu hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

H và M đang tái hòa nhập cộng đồng tích cực lao động sản xuất sau thời gian học nghề . H và M đang tái hòa nhập cộng đồng tích cực lao động sản xuất sau thời gian học nghề .

Trở về từ “sóng gió”

Chúng tôi tìm gặp 2 chị em Phàn Thị H (19 tuổi) và Phàn Thị M (17 tuổi) ở xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vừa lúc 2 chị em đi nương về. Nhìn khuôn mặt vui vẻ của 2 chị em, ít ai biết được họ đã từng trải qua quãng thời gian đầy sóng gió ở xứ người.

Qua trò chuyện, Phàn Thị H, cho biết, năm 2015, em có quen một người tên Hoàng Tuấn Cường trên mạng. Sau khi làm quen, Cường rủ em sang Trung Quốc chơi. Nghe theo lời đường mật của Cường, H rủ thêm em gái ruột tên M cùng đi. Tại đây, 2 em bị chúng bắt nhốt vào nhà chứa, ép tiếp khách. Sau một thời gian sống trong cảnh vô cùng tủi nhục, trong một cuộc triệt phá đường dây

buôn bán người của lực lượng công an Trung Quốc, 2 em được giải thoát và trao trả về nước.

H nhớ lại, những ngày đầu trở về, em không dám ra khỏi nhà, sống vật vờ như một cái bóng. Thời gian này, có mấy chị là cán bộ huyện về động viên các em đi học nghề. “Lúc đó em rất ngại tiếp xúc nên gần như không nói chuyện. Nhưng các chị vẫn thường xuyên đến, cứ thế sau 3 tháng em đỡ ngại và đồng ý lên thành phố học nghề”. Tại đây, H được chi trả toàn bộ tiền ăn học nên không lo về cuộc sống. Sau hơn 3 tháng học nghề trồng trọt, em cũng dần lấy lại tinh thần để trở về quê đối diện với cuộc sống. Thời gian trôi đi, giờ đây em không còn mặc cảm nữa chỉ tập trung làm kinh tế đỡ đần bố mẹ thôi.

Để hỗ trợ cho các nạn nhân buôn bán người, thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã thành lập các cơ sở lưu trú như: nhà bình yên ở Hà Nội, ngôi nhà tình thương ở An Giang, nhóm Tự lực ở Thanh Hóa, Bắc Giang…

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai cho biết, tại Lào Cai, để hỗ trợ cho các nạn nhân buôn bán người, từ năm 2010, Tổ chức phi chính phủ Vòng tay Thái Bình đã hỗ trợ kinh phí cùng với Chi cục thành lập mô hình “nhà nhân ái” tại TP. Lào Cai. Từ đó đến nay, mô hình đã hỗ trợ hơn 200 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình, cộng đồng an toàn.

Theo ông Long, tại Nhà nhân ái, 100% nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế; được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được tiếp tục học hết văn hóa phổ thông, 80% số người được học nghề và có việc làm ổn định. 70% số người đã xây dựng hạnh phúc gia đình, ổn định cuộc sống; 100% số người được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội. Nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học, góp phần tuyên truyền kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán người tại các xã vùng cao và các điểm trường học.

Xóa rào cản

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, từ năm 2012 đến nay, khoảng 7.500 nạn nhân của tình trạng mua, bán người đã được giải cứu, tiếp nhận. Gần 90% nạn nhân trong số họ là phụ nữ, trẻ em. Sau khi tiếp nhận, 100% nạn nhân đều được lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để các nạn nhân ổn định tâm lý, sức khỏe và chuyển tuyến, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố đã thành lập được các mô hình hỗ trợ nạn nhân với mục đích trợ giúp họ trở về, ổn định cuộc sống.

Bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, địa chỉ 20 Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết, những nạn nhân của buôn bán người trở về thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần. Có những trường hợp nạn nhân mất trí nhớ, mang thai ngoài ý muốn, nghiện rượu, ma túy hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... họ dễ gặp sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh, thậm chí ngay cả trong gia đình khiến cho các nạn nhân buôn bán người khó hòa nhập cộng đồng. Do đó, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền cho các đối tượng này để họ có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với các nạn nhân.

Có thể nói, với những chính sách hỗ trợ, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đưa các nạn nhân buôn bán người tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này, không chỉ cần sự nỗ lực của Nhà nước, tổ chức xã hội, nạn nhân buôn bán người mà quan trọng hơn là của cả cộng đồng xã hội, những người không phải là nạn nhân buôn bán người nhưng là gia đình, người thân, người quen biết, hàng xóm của các nạn nhân… là tác nhân quan trọng có thể giúp các nạn nhân trên con đường hòa nhập cộng đồng bớt gian nan.

HIẾU ANH