Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tai nạn thương tích cho trẻ em vùng cao: Đừng chủ quan

PV - 14:09, 28/05/2018

Cuộc sống khó khăn, các bậc phụ huynh không có điều kiện để chăm sóc con cái nên nhiều em nhỏ DTTS đã phải rời khỏi vòng tay của cha mẹ từ rất sớm. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích cho trẻ em vùng cao.

Sáng sớm tinh mơ, vợ chồng Mùa A Tủa (sinh năm 1996) và Sồng Thị Mỷ (sinh năm 1999), dân tộc Mông, ở bản Huổi Lanh, xã É Tòng, huyện Thuận Châu (Sơn La) đã vội vã lên nương (phía sau nhà) cuốc đất, làm cỏ khi hai con nhỏ (đứa hai tuổi, đứa mới bảy tháng tuổi) vẫn ngủ say.

Sáng 27/3/2017, như thường lệ, vợ chồng Tủa-Mỷ lại để hai con ở nhà. Huổi Lanh lúc đó rét căm căm; Mùa A Tủa nhóm lửa để sưởi ấm cho hai con rồi vội vã cùng vợ đi làm.

Hai đứa trẻ quanh quẩn chơi với nhau; chẳng may, đứa trẻ 7 tháng tuổi (bé Mùa Thị Nú) bò tới và ngã vào bếp lửa. Nghe tiếng khóc thét của con, anh Tủa chạy ào về nhà, kêu gọi hàng xóm giúp đưa con đến bệnh viện Sơn La; sau đó bé được đưa xuống Viện bỏng Quốc gia (Hà Nội) vì bị bỏng toàn thân, với tỷ lệ 43%. Do Nú còn quá bé, lớp da non mỏng manh, yếu ớt bị bỏng sâu đứng trước nguy cơ bị hoại tử.

Bé Mùa Thị Nú nhập viện trong tình trạng bị bỏng toàn thân tỷ lệ 43%. (Ảnh tư liệu) Bé Mùa Thị Nú nhập viện trong tình trạng bị bỏng toàn thân tỷ lệ 43%. (Ảnh tư liệu)

 

Nhớ lại thời điểm xảy ra sự việc, Mùa A Tủa cho hay: “Nghe tiếng con bé khóc ré, vợ chồng em vội vàng chạy vào thì thấy con bé đang nằm giãy giụa trên đống than đỏ. Đến bây giờ em cũng không biết tại sao con bé lại bị ngã vào bếp lửa rồi bị bỏng nặng đến thế”.

Đưa con xuống Hà Nội chữa trị, gấp gáp vay mượn khắp nơi, vợ chồng Tủa-Mỷ cũng chỉ có 2 triệu đồng. Dù bé Nú có thẻ bảo hiểm y tế và được bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nhưng còn những chi phí khác. Rất may, qua các cơ quan truyền thông, các nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ bé Mùa Thị Nú qua cơn nguy kịch.

Như bé Mùa Thị Nú, cháu Lường Xuân Hiệp, dân tộc Thái, ở bản Băng, xã Quài Tở (Tuần Giáo, Điện Biên) cũng phải ở nhà tự chơi đùa khi bố mẹ lên nương, lên rẫy mưu sinh. Ngày mùng Hai Tết Đinh Dậu, vừa tròn 4 tuổi, trong lúc chơi đùa, chẳng may Hiệp rơi vào chảo nước sôi, bị bỏng sâu toàn bộ phần mông và lưng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ Hiệp cần mẫn làm ruộng, rồi làm phụ hồ thuê cũng chẳng đủ tiền để chi phí sinh hoạt trong nhà, bây giờ lại phải lo kinh phí thuốc men chăm sóc cho con.

Mùa Thị Nú, Lường Xuân Hiệp chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ dành hết thời gian để lo kế sinh nhai.

Thiếu sân chơi, trẻ em vùng cao thường xuyên đối diện với nguy cơ tai nạn thương tích. (Ảnh tư liệu) Thiếu sân chơi, trẻ em vùng cao thường xuyên đối diện với nguy cơ tai nạn thương tích. (Ảnh tư liệu)

 

Thực tế, những năm qua trẻ em thành thị, đồng bằng thường đối diện với nguy cơ tai nạn giao thông, đuối nước; với trẻ em vùng cao, nguy cơ tai nạn thương tích do ngộ độc thực phẩm, ngã, bỏng... thường xuyên hiện hữu. Bất cứ loại tai nạn thương tích nào cũng để lại hệ lụy vô cùng lớn cho các bé và gia đình.

Thời gian qua, vào dịp nghỉ hè, các cấp ngành, địa phương lại đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là tuyên truyền phòng chống đuối nước. Mới đây (22/5), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động toàn quốc phòng, chống đuối nước trẻ em với chủ đề “An toàn cho con trong môi trường nước.

Đây là một nỗ lực thường niên của ngành để hạn chế thương vong ở trẻ do đuối nước.

KHÁNH THƯ