Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tân Phú (Đồng Nai): Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với người dân

Tiến Mạnh - 17:19, 04/04/2025

Với vai trò là cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với người dân, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai) vừa là kênh dẫn vốn xuống tận cơ sở, từng hộ dân, vừa giúp họ sử dụng vốn vay hiệu quả. Thông qua cầu nối Tổ TK&VV đã đưa tín dụng chính sách đến với người dân, quản lý vốn vay, góp phần đảm bảo chất lượng tín dụng chính sách của Nhà nước trên địa bàn huyện.

Được vay vốn của NHCSXH huyện Tân Phú (Đồng Nai), nhiều người dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được mô hình cây ăn quả, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao
Được vay vốn của NHCSXH huyện Tân Phú (Đồng Nai), nhiều người dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình cây ăn quả, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhiệm vụ chính của Tổ TK&VV được NHCSXH ủy nhiệm đó là bình xét cho vay, lập hồ sơ trình NHCSXH xem xét cho vay, được uỷ nhiệm thu tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm tổ viên hàng tháng nộp vào ngân hàng. Ngoài ra, Tổ còn chú trọng quản lý tốt nguồn vốn sau khi cho vay, bảo đảm an toàn nguồn vốn Nhà nước.

Chị Vũ Thị Vân, Tổ trưởng TK&VV ấp Phú Yên xã Phú Sơn, huyện Tân Phú cho biết, nếu hộ vay sử dụng vốn không hiệu quả, sai mục đích thì đồng vốn ưu đãi sẽ không phát huy tác dụng, gây thất thoát vốn và nợ xấu tăng cao. Do đó, ngay từ khi hộ vay nhận vốn vay, Tổ cùng với cấp hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Kịp thời nắm tình hình các khoản nợ đến hạn trong tháng liền kề, thường xuyên nhắc nhở hộ vay chủ động thu xếp trả nợ ngân hàng đúng thời hạn. Những hộ gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến không có khả năng trả nợ đúng hạn được hướng dẫn làm thủ tục gia hạn nợ kịp thời hoặc xử lý rủi ro theo quy định. Nhờ đó, hiện nay Tổ có 60 tổ viên với dư nợ tại NHCSXH huyện 3,9 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.

Hay như gia đình anh K’ Tùng là một trong những điển hình ở ấp Phú Yên, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú sử dụng nguồn vốn vay chính sách đạt hiệu quả kinh tến cao. Năm 2021, gia đình được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tân Phú đầu tư trồng sầu riêng, mít đến nay đã cho thu hoạch. Anh chia sẻ: Nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đến nay trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình đạt 200 - 300 triệu đồng.

Là một trong những Tổ TK&VV hoạt động hiệu quả, Tổ TK&VV Vũ Thị Vân, huyện Tân Phú đã được NHCSXH huyện Tân Phú tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và phổ biến nội dung từng chương trình tín dụng. Từ kiến thức nghiệp vụ được trang bị, Tổ TK&VV đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo ra việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương trên địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai)
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo ra việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương trên địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai)

Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý nguồn vốn, chị Vũ Thị Vân - Tổ trưởng Tổ TK&VV cho biết: Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Tổ thường thông báo tới hội viên số tiền có thể cho vay từng đợt, nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ, lãi đúng hạn, đồng thời phổ biến chính sách mới của NHCSXH. Tham gia sinh hoạt tại Tổ, các thành viên được phổ biến kiến thức xã hội, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trước mỗi đợt giải ngân, Tổ luôn tổ chức họp bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng, hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định. Nhờ đó, Tổ luôn là một trong những Tổ TK&VV được đánh giá chất lượng hoạt động tốt.

Hiện nay, huyện Tân Phú có 279 Tổ TK&VV với tổng dư nợ trên 624 tỷ đồng. Tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và đối tượng chính sách, thời gian qua, NHCSXH huyện Tân Phú đã quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Theo đánh giá chất lượng hoạt động các Tổ TK&VV huyện có 256 tổ tốt, 17 tổ khá.

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tân Phú Nguyễn Thế Vinh, cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ TK&VV đơn vị thường xuyên tổ chức đào tạo quản lý cho các thành viên trong Ban quản lý Tổ TK&VV; tổ chức giao lưu giữa các Tổ TK&VV để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, chỉ đạo Tổ trưởng các Tổ TK&VV thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới Tổ TK&VV trên địa bàn huyện.

"Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Phú đang triển khai thực hiện trên 09 Chương trình tín dụng chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 2.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, trên 1.700 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hỗ trợ tạo việc làm cho 5.600 lao động, tạo điều kiện cho 9.200 hộ gia đình được vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ cho vay chương trình Nhà ở xã hội 26 hộ, số tiền 10.900 triệu đồng, tạo điều kiện cho 31 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền 2.200 triệu đồng", Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tân Phú Nguyễn Thế Vinh cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục