Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tăng cường tiếng Việt giúp học sinh DTTS tự tin học tập

PV - 14:07, 21/01/2019

Trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) tích cực thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Bằng những giải pháp cụ thể đã giúp cho học sinh DTTS ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập và giao tiếp tốt tiếng Việt.

tằng cường Tiếng Việt Để giúp các em học sinh DTTS tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, ngành Giáo dục huyện Sơn Hòa đã tổ chức các lớp dạy tiếng Việt trong dịp hè.

Huyện Sơn Hòa có 13 DTTS chung sống. Gồm các dân tộc: Ê-đê, Chăm Hroi, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Khmer, Raglay, Jrai, Xtiêng, Chu-ru, Thái chiếm tỷ lệ gần 35% dân số. Tại địa phương, nhiều trẻ em DTTS không nói được tiếng Việt đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em, cũng như chất lượng của ngành giáo dục. Vì thế, huyện Sơn Hòa đề ra mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.

Để thực hiện mục tiêu này, hàng năm, ngành Giáo dục huyện đã tổ chức các lớp học tiếng Việt, vận động cha mẹ đưa con em đến học và tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt trong sinh hoạt hàng ngày để các em có điều kiện giao tiếp, trau dồi tiếng Việt phát âm, đọc bài chuẩn hơn.

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Suối Bạc, xã Suối Bạc đã tổ chức 6 lớp dạy tiếng Việt cho các em ngay từ đầu tháng 8 để giúp học sinh DTTS 5 tuổi làm quen với tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1.

Ngoài ra, nhà trường còn cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt, tự học tiếng DTTS phục vụ công tác giảng dạy; sử dụng nhiều đồ dùng trực quan trong dạy học để giúp học sinh DTTS dễ hiểu bài.

Thầy Trương Hữu Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Bạc, cho hay: Năm học 2018-2019, toàn trường có 690 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm gần 50%. Cái khó trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS của trường là nhiều học sinh phát âm tiếng Việt chưa chuẩn nên đọc và viết sai chính tả, không hiểu nghĩa một số từ, rụt rè trong giao tiếp. Chính vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt khả năng tiếp thu của các em, nhà trường còn khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt ở trường và khi về nhà; tăng cường thời lượng dạy đọc, viết tiếng Việt; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Việt để thu hút các em tham gia.

Ngành Giáo dục huyện Sơn Hòa cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trường học có học sinh DTTS triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng tăng cường tiếng Việt. Các trường đã có nhiều hoạt động như: tổ chức hội thi “Giao lưu tiếng Việt”, cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện; dạy tiếng Việt cho trẻ em 5 tuổi người DTTS chuẩn bị vào lớp 1 trong dịp hè...

Ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa cho hay: Năm học 2018-2019, toàn huyện có 5.882 học sinh tiểu học, trong đó học sinh người DTTS chiếm 43,23%.

Do khả năng nói chuyện, sử dụng tiếng Việt của học sinh người DTTS còn yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Do đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, nhất là ở cấp tiểu học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

“Qua hơn 2 năm triển khai, Đề án đã mang lại hiệu quả nhất định. Sau khi được tăng cường học tiếng Việt, nhiều em học sinh người đồng bào DTTS tự tin trong học tập và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt”, ông Hoàng Vũ Anh chia sẻ thêm.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.