Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tảo hôn ở vùng cao Quảng Ninh - Vẫn chưa hết lo

Mỹ Dung - 17:30, 14/05/2023

Tảo hôn - câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ, nhất là ở vùng đồng bào DTTS của các xã, huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh như Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ… Đằng sau cuộc sống hôn nhân của nhiều đôi trẻ đang ở tuổi vị thành niên, là những câu chuyện “cười” ra nước mắt. Và hơn cả, là những hệ lụy dài lâu mà thế hệ con, cháu phải gánh chịu.

Vấn nạn tảo hôn khiến cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn
Vấn nạn tảo hôn khiến cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn

Những chuyện "cười" ra nước mắt

Bản mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) có 73 hộ và 376 nhân khẩu. Đời sống của nhiều hộ gia đình nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi đến ngôi nhà đơn sơ để gặp đôi bạn trẻ tại bản. Qua tìm hiểu được biết “nhân vật chính” trong cuộc hôn nhân này là cô bé T.T.M, sinh năm 2008 và chồng là T.V.T, sinh năm 2007. Sự ngây ngô của cô bé làm vợ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” khiến người gặp không khỏi xót xa.

“Chúng em quen nhau qua Facebook, yêu nhau rồi có thai nên em lấy chồng đấy chứ. Con em được 4 tháng rồi, giờ em ở nhà trông con. Chồng đi làm nhưng ít tiền lắm, chỉ lo đủ cơm ba bữa cũng khó”, M nói.

Tại huyện miền núi Ba Chẽ, nhiều cặp đôi ở các thôn, bản người Dao cũng sống cuộc sống chồng vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn. Năm 2022, lực lượng y tế thống kê có 13 trường hợp tảo hôn và xã Đồn Đạc là địa phương “dẫn đầu” với 3 trường hợp.

Cắm bản mất 3 ngày, chúng tôi được người dân đưa đến nhà em T.T.V, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. Nhìn thấy khách đến đầu ngõ, em vội vã đi vào nhà, đóng cửa luôn. “Nó xấu hổ ấy, vợ chồng nhà này suốt ngày đánh mắng nhau, mà vợ thì mới có bầu sắp đẻ rồi chứ. Nhiều đêm bị chồng đánh, nó còn phải ôm bụng chạy về nhà ngoại xin cầu cứu”, chị hàng xóm ngậm ngùi kể.

Trước đây là  tình trạng nam thanh, nữ tú 13, 14 tuổi tìm gặp và kết hôn không giấy tờ với người ở ngay trên địa bàn, hoặc cùng xã nhưng khác bản, khác thôn. Vài năm trở lại đây, còn xuất hiện thêm tình trạng, các em còn làm quen với nhau qua Zalo, Facebook rồi yêu xa và cuối cùng “đằng” trai hẹn gặp “đằng” gái và “đưa nàng về dinh”, nhiều khi vác thêm cả bụng bầu.

Ngay tại Tp. Hạ Long, ở một số xã như Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Tân Dân, các trường hợp tảo hôn cũng xảy ra không phải là ít. Không làm đám cưới, không ồn ào, đôi trẻ tự dọn về ở chung. Bởi thế, chính quyền địa phương khó có thể phát hiện nếu “người trong cuộc” không khai ra.

Năm 2022, Hải Hà là địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Năm 2022, Hải Hà là địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Hệ lụy của tảo hôn

Tảo hôn là vi phạm pháp luật, nhưng hệ lụy của tảo hôn đang là những câu chuyện nhức nhối, khiến cho cái nghèo cứ đeo đẳng người dân từ đời này sang đời khác ở các bản, làng nơi rẻo cao. Hiện nay ở các bản, làng vùng xã, vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, dù đã xóa được tình trạng trẻ em mù chữ. Song số em theo học hết bậc THPT, cao đẳng, đại học vẫn còn khá ít ỏi. Nhiều em khi mới học lớp 10, lớp 11 đã nghỉ học “theo chồng bỏ cuộc chơi”.

Trao đổi với thầy giáo Nguyễn Trịnh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) nơi có nhiều học sinh là người DTTS như Dao, Nùng, Sán Chỉ theo học, được biết có không ít trường hợp học sinh nghỉ học giữa chừng, xây dựng gia đình dù chưa đủ tuổi kết hôn. Phong tục tập quán lạc hậu vẫn “ăn sâu, bám rễ” trong tiềm thức của nhiều gia đình người DTTS.

"Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn vẫn đáng lo, là sự ảnh hưởng từ cách sống trong thời đại “mở cửa”. Lớp trẻ được tiếp xúc với mạng xã hội tràn lan khiến cho tình trạng tảo hôn ngày càng phức tạp, dẫn đến “cưới chạy””, bác sĩ Nguyễn Thị Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) thông tin thêm

Ngay cả khi áp dụng chế tài xử phạt, cũng đã có không ít trường hợp sẵn sàng nộp phạt để được chung sống bình thường với người khác. Như ở xã vùng cao Quảng Đức (huyện Hải Hà), từ nhiều năm trước cũng đã áp dụng xử lý hành chính đối tượng tảo hôn, nhưng rồi “đâu vẫn đóng đấy”.

Ông Vũ Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lâm, Tp. Hạ Long, chia sẻ: “Nhiều trường hợp tảo hôn cuộc sống vô cùng khó khăn, chuyện đánh chửi nhau xảy ra như cơm bữa, trẻ sinh ra không được chăm sóc đầy đủ, thường bị suy dinh dưỡng, còi cọc”.

Dù đang ở độ tuổi vị thành niên, nhưng các em đã trở thành cha mẹ của những đứa trẻ khác
Dù đang ở độ tuổi vị thành niên, nhưng các em đã trở thành cha mẹ của những đứa trẻ khác

Theo thống kê của Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh có 138 trường hợp tảo hôn, trong đó huyện Hải Hà, là địa phương có số trường hợp tảo hôn nhiều nhất tỉnh (43 trường hợp).

Theo ông Nguyễn Xuân Tình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ninh, so với năm 2021, thì con số trên có dấu hiệu giảm (7 trường hợp), nhưng thời gian gần đây, xuất hiện những diễn biến phức tạp như việc "người trong cuộc không khai ra" thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng không nắm hết được. 

Trao đổi về giải pháp để đẩy lùi tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Tình cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các cơ quan chức năng và địa phương tiếp tục tìm ra những giải pháp phù hợp với thực tế hơn. Đặc biệt, hiện nay, địa phương đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, địa phương sẽ tranh thủ nguồn lực để tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu, tiến tới đẩy lùi tảo hôn", 

Tin cùng chuyên mục