Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Miền Tây xứ Nghệ - Những chuyện buồn hôn nhân: “Mò mẫm” tìm lời giải (Bài 3)

Thọ Đào - Nguyễn Thanh - 17:26, 26/03/2023

Có thể là hơi quá khi đặt ra vấn đề: “mò mẫm” tìm lời giải cho bài toán tảo hôn nơi miền biên viễn xứ Nghệ. Song từ thực tế đã cho thấy, mục tiêu đẩy lùi hủ tục trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó là phòng chống tảo hôn đã được đặt ra và triển khai từ lâu, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng rất nhiều giải pháp… nhưng, đối với huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang không mấy hiệu quả.

Sau kỳ nghỉ Tết, giáo viên các trường phải lặn lội đến các bản làng để vận động trò trở lại trường
Sau kỳ nghỉ Tết, giáo viên các trường phải lặn lội đến các bản làng để vận động học trò trở lại trường

Tiếng nói người trong cuộc

Sau dịp sau Tết Nguyên đán, là thời điểm nam nữ người Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn kết hôn rất nhiều. Phần lớn các em đều chưa đủ tuổi kết hôn và chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng vẫn tổ chức lễ cưới.

Điều này có lẽ xuất phát từ quan niệm lạc hậu từ bao đời nay của cộng đồng người Mông, như già làng Lầu Vả Tu (bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn) chia sẻ: “Người Mông quan niệm, con gái đến tuổi 18 chưa lấy được chồng coi như bị ế đấy. Có con gái mà để trong nhà như thế coi như bị xui xẻo”.

Có những ông bố, bà mẹ, khi có con bỏ học lấy chồng, chẳng coi đó là chuyện đáng buồn. Anh Xồng Bá Mùa - bố em Xồng Y Dở, một học sinh khá giỏi thuộc khối 7 của trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn, trú ở bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn, tỏ ra không mấy quan tâm khi con mình bỏ học lấy chồng cách nay mấy tuần. 

Với vốn tiếng Kinh còn chưa sõi, anh bảo rằng: Người Mông đến tuổi 13 có thể lập gia đình. Nếu theo quy định của Nhà nước từ 18 tuổi trở lên sẽ bị coi như “ế”. Bởi vậy, trong bản của anh ở từ trước đến nay cũng chẳng thiếu gì những đứa trẻ bỏ học lấy vợ. lấy chồng sớm. Với anh, đây cũng chẳng phải là chuyện đáng buồn. “Nó lấy chồng được thì nó cũng tự lo được thôi. Ai cũng thế cả mà”, Xồng Bá Mùa buông lời như vậy.

Chính vì những lẽ ấy, cùng với việc “ăn lá ngón tự tử” mà nhiều gia đình chẳng dám can ngăn quyết liệt khi con cháu mình bỏ học lấy chồng, lấy vợ sớm.

Và Bá Nù ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) có con gái là Và Y Xì vừa bỏ học lấy chồng cách nay mấy tuần lễ. Y Xì từng là học sinh lớp 7 trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn, đã theo chồng về xã Na Ngoi, sau hội ném pao ngày Xuân. Nhưng, chính anh Nù cũng không dám can ngăn quyết liệt. Nù bảo: Bây giờ mình đưa ra pháp luật, lỡ con nghĩ dại mà ăn lá ngón thì mình hối hận cả đời. Vả lại, ở trong bản mình bao nhiêu trường hợp cũng lấy chồng, lấy vợ bằng tuổi nó bây giờ cũng ổn cả.

Bảng thống kê họcsinh bỏ học tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong số 154 học sinh bỏ học có 57em bỏ học để lấy chồng, lấy vợ
Bảng thống kê họcsinh bỏ học tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong số 154 học sinh bỏ học, có 57 em bỏ học để lấy chồng, lấy vợ

Đại diện cho cấp chính quyền, ông Xồng Vả Dềnh, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết: Đa số bố, mẹ các em đều không đồng ý việc các em lấy nhau khi còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, nhiều gia đình không dám can ngăn quyết liệt, vì sợ các em lên núi ăn lá ngón tự tử. Thực tế thì cách đây mấy năm, đã xảy ra chuyện đau lòng như vậy do bị gia đình ngăn cản yêu đương.

Bao giờ hết những “lời ru buồn”…

Thực trạng học sinh bỏ học lấy chồng, lấy vợ, đang là một khó khăn không nhỏ đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao. Năm nào cũng vậy, sĩ số học sinh trong các nhà trường đều bị giảm do tục bắt vợ này. Để giữ học trò, để ngăn chặn những cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi… các trường, các cấp chính quyền ở vùng cao Nghệ An đã vào cuộc bằng nhiều giải pháp, nhưng câu chuyện tảo hôn vẫn tồn tại đầy day dứt.

"Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS. Đồng thời nâng cao nhận thức, hướng các em vào con đường đi làm sau khi đã có ít nhất một trình độ nghề nghiệp thay vì lao động mà chưa qua đào tạo. Dù chưa thể chấm dứt hoàn toàn nhưng chúng tôi mong muốn thông qua nhiều biện pháp, có thể hạn chế tối thiểu số lượng học sinh nghỉ học".

Ông Phạm Văn Phúc Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

Tại trường PTDT Bán trú THCS Mường Lống - nơi có 15/20 học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng ngay sau tết 2023, mặc dù từ đầu năm, nhà trường đã kết hợp với UBND xã và các ban ngành chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho học sinh về vấn đề tảo hôn. Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa chính quyền xã với nhà trường, phụ huynh, học sinh không để xảy ra tình trạng tảo hôn.

Thầy Phu - giáo viên của trường chua chát: Mặc dù nhà trường đã kết hợp với xã, bản, Hội Cha mẹ học sinh tuyên truyền cho các em. Những buổi sinh hoạt dưới cờ, Nhà trường cũng liên tục tuyên truyền, nhắc nhở các em, nhưng dường như tình trạng này vẫn không được cải thiện. Còn xử lý theo mặt pháp luật thì Nhà trường không có thẩm quyền, nên đành nhìn cảnh mất học sinh mà chẳng làm được gì.

Còn tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn, ngay từ đầu năm học cả chính quyền xã, Bộ đội Biên phòng, Công an và cả Phòng Tư pháp huyện cũng đều vào tuyên truyền cho học sinh về vấn nạn tảo hôn.

“Mỗi lần có đám cưới học sinh, Nhà trường đều quán triệt cán bộ, giáo viên không được tham dự để tránh tình trạng cổ súy cho nạn tảo hôn. Thế nhưng, cứ sau Tết Nguyên đán lại bắt đầu xảy ra tình trạng này”, thầy Lâm Nguyên Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường tỏ ra “bất lực”.

Chú trọng biện pháp răn đe giáo dục

Trước vấn nạn tảo hôn, các cấp chính quyền ở các huyện miền Tây xứ Nghệ cũng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng như lời ông Xồng Bá Lầu, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn thì “tình trạng này vẫn còn xảy ra, bởi chưa có chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe.

Trường PTDTBT THCS Mường Lống nơi có 15 học sinh nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ
Trường PTDTBT THCS Mường Lống nơi có 15 học sinh nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ
Theo thống kê, năm 2021, huyện Kỳ Sơn có 104 cặp tảo hôn cả vợ cả chồng thì sang năm 2022 đã tăng lên 138 cặp. Đặc biệt, chỉ mới mấy tháng sau Tết nguyên đán 2023, đã có 57 học sinh bỏ học lấy chồng. Đó là những thông số báo động đỏ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết, năm 2022, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đã đưa nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết triển khai tuyên truyền mạnh trên địa bàn. Có hai đối tượng chính tuyên truyền, là người dân tại các bản ở vùng biên, sau khi tuyên truyền tại các thôn bản đã yêu cầu người dân ký cam kết; đối tượng thứ hai là học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại các trường học. Phòng đã phối hợp với đoàn trường và các tổ chức để thực hiện. “Tuy nhiên, ký cam kết vẫn ký, nhưng nhiều trường hợp vẫn vi phạm”, ông Tuấn nói.

Về giải pháp căn cơ, ông Tuấn cho rằng, năm 2023, Phòng đã tham mưu cho cơ quan chức năng địa phương xử lý vi phạm hành chính với các trường hợp đã ký cam kết không xảy ra tảo hôn, nhưng vẫn vi phạm nhằm tăng nặng tính răn đe giáo dục, cũng là để tuyên truyền. Xã Nậm Cắn sẽ là đơn vị đầu tiên tiến hành thí điểm việc xử phạt này, sau đó sẽ nhân rộng. 

“Để thay đổi nhận thức trong người dân nơi đây, không thể làm trong một sớm một chiều, nhưng kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực để thay đổi dần dần”, ông Tuấn nói.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.