Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về các quyền con người

Khánh Thi - 18:36, 20/12/2022

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, là trách nhiệm thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, của toàn hệ thống chính trị, và là công việc của toàn dân. Đây là quan điểm chỉ đạo trong Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 được ban hành theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về các quyền con người
Toạ đàm với chủ đề “Mạng xã hội - Mặt trận tư tưởng mới” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tháng 11/2022.

Kiên quyết xử lý hành vi xâm phạm quyền con người

Để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, những năm qua, Nhà nước đã bố trí nguồn lực lớn để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, mạng lưới bưu chính, viễn thông của Việt Nam, tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp. Toàn quốc hiện có 12.738 điểm phục vụ bưu chính công cộng, với nhiều loại hình dịch vụ bưu chính đa dạng, kết hợp phục vụ hành chính công; mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số.

Mức độ phủ sóng Internet, cũng như việc đảm bảo cho người dân ở mọi vùng miền được cách tiếp cận các thông tin trên mạng, đã được Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện. Theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện số lượng người sử dụng Internet khoảng 64 triệu người, số tài khoản người Việt dùng mạng xã hội (MXH) là gần 80 triệu, trong đó có khoảng 73 triệu tài khoản sử dụng MXH Việt Nam như: Zalo (gần 52 triệu người), Mocha (8,7 triệu người), Gapo (gần 3 triệu người); còn lại khoảng 10 triệu thuộc về các mạng xã hội khác.

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ TT&TT.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ TT&TT.

Sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây, đã tăng thêm tiện ích để mọi người thể hiện quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là các phát ngôn lệch chuẩn; các thông tin giả, độc hại được lan truyền ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, xâm hại quyền con người.

Sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của một bộ phận người dân cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc về quyền con người trên không gian mạng. Nhiều quan điểm, nhận định ngụy khoa học về giới, kỳ thị giới tính, phân biệt đối xử về dân tộc,… được chia sẻ tràn lan trên Facebook, YouTube, TikTok gây tác động tiêu cực đến cộng đồng. Bên cạnh đó, nạn đổ lỗi cho nạn nhân (Victim blaming), bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying), xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân, xúc phạm danh dự, uy tín người khác tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng…

Công tác chống tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng nói riêng và trong cộng đồng nói chung đã được các lực lượng chức năng quyết liệt thực hiện. Theo Báo cáo của Bộ TT&TT, từ đầu năm 2021 đến tháng 11/2022, Bộ và và các Sở TT&TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%)

Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê... Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 06 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).

Liên quan đến các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, cơ quan công an cũng đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng và làm việc với khoảng 1.500 đối tượng. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ cùng với công an các địa phương tổ chức quyết liệt công tác đấu tranh, xử lý tin giả, tin sai sự thật.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam (gọi tắt là Đề án 1079). Đề án 1079 xác định, công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.

Đề án 1079 nhấn mạnh, việc hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về các quyền con người 2
Chương trình tọa đàm “Mạng xã hội - mặt trận tư tưởng mới” do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Chính phủ yêu cầu, công tác truyền thông cần được triển khai trên cả 03 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Đây là những nội dung được kế thừa, phát triển trong nhiều văn bản của Chính phủ liên quan đến truyền thông về quyền con người như: Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 2/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người,…

Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Để quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc và toàn diện, các luật, văn bản dưới luật về tự do ngôn luận đã cụ thể hóa Hiến pháp, ngày càng được hoàn thiện để vừa bảo đảm quyền của công dân, vừa giúp quyền đó thực hiện trên cơ sở luật pháp. Trong đó, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Cùng với sự nhiệt tình quan tâm, ủng hộ của toànxã hội và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, thời gian qua, công tác tuyêntruyền, giáo dục về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân ở nước ta đạtđược nhiều thành tựu cơ bản, rất đáng trân trọng. Nhận thức về quyền con người,quyền và nghĩa vụ công dân trong toàn xã hội ngày càng được nâng cao. Để lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, góp phần thúc đẩy, bảo đảm tự do ngôn luận của cáctổ chức, cá nhân, điều cần thiết là mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn về quyềntự do ngôn luận, nêu cao ý thức trách nhiệm khi ứng xử trên mạng xã hội, đồngthời nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác các âm mưu, thủđoạn sai trái về tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Đề án 1079 đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2028, 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác bảo đảm quyền con người; Biên soạn, xuất bản và tái bản 1.000 đầu sách về quyền con người; Tổ chức chuỗi triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người ở Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tại 63 tỉnh, thành phố và một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài. Về đối ngoại, Đề án đặt ra mục tiêu hoàn thành việc thực thiện khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền con người.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Bảo vệ vững chắc vùng “phên giậu” (Bài 1)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Bảo vệ vững chắc vùng “phên giậu” (Bài 1)

Mới đây, có dịp rong ruổi trên tuyến biên giới Cao Bằng, vùng đất biên cương địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Đi trên những cung đường ngắm nhìn bức tranh đồi núi trập trùng, những bản làng với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, trường học kiên cố, chứng kiến về sự thay đổi trong đời sống kinh tế, tinh thần của Nhân dân ở các bản làng vùng cao... chúng tôi càng cảm nhận nhiều hơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng để đồng bào an tâm bám bản, bám làng xây dựng cuộc sống, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.