Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Tạo sức bật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

PV - 16:11, 28/09/2021

Với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) kịp thời và phù hợp, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã tiến hành triển khai nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc trên địa bàn trong những năm qua.

Nhờ nguồn vốn vay, người dân tại xã An Nhơn đã biết phát triển mô hình nấm để tăng thêm thu nhập
Nhờ nguồn vốn vay, người dân tại xã An Nhơn đã biết phát triển mô hình nấm để tăng thêm thu nhập

Thu nhập ổn định

Về buôn Con Ó, xã Mỹ Đức trong những ngày cuối tháng 9 chúng tôi nhận thấy cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc, người dân trong buôn không còn những tháng ngày lam lũ, thiếu ăn thiếu mặc. Sự đổi thay này có được từ sau khi huyện Đạ Tẻh triển khai Dự án Cao su khu vực đồi Đất đỏ gắn với việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ hơn 62 ha cao su chia đều cho 60 hộ đồng bào buôn Con Ó. Chỉ tính riêng từ nguồn thu nhập cao su đã giúp cho người DTTS thôn 8 có mức thu nhập từ khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng. Đến nay, tổng thu nhập bình quân đầu người của buôn Con Ó gần 38 triệu đồng/người/năm.

Gặp chúng tôi, ông K’Túc (50 tuổi) vừa kể, vừa phấn khởi, tự hào về những thành quả mà bản thân và bà con trong buôn làng đã chịu khó trong suốt thời gian qua với mong muốn cuộc sống đủ đầy nhờ vào việc trồng cây lâu năm như điều, cao su và cà phê...

Ông K’Túc cho hay, việc vận động bà con thay đổi thói quen canh tác các loại cây trồng ngắn ngày sang cây trồng lâu năm như cao su, điều và cà phê là không dễ chút nào. Ông không chỉ vận động suông mà phải làm gương thì người dân mới thấy đó mà noi theo.

“Gia đình tôi có 1,5 ha điều, 1 ha cà phê trồng xen, 1 ha còn lại tôi dùng để trồng cao su, phát triển kinh tế lâu dài. Năm nay do dịch bệnh nên cà phê khó tiêu thụ, còn điều thì mình phải bỏ mối ở các địa điểm trong huyện. Riêng với cao su thì có công ty thu mua mủ nên với diện tích 1 ha, mỗi tháng thu về 6 - 7 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi thêm bò, heo... đã mang lại cho gia đình thu nhập bình quân từ khoảng hơn 300 triệu đồng đã trừ kinh phí”, ông K’Túc giãi bày.

Không chỉ chăm lo đời sống tinh thần cho bà con tại chỗ, UBND huyện còn chú trọng đầu tư cho những đồng bào DTTS khác đến định cư tại huyện. Điển hình là mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình chị Nông Thị Kim (thôn 4, xã An Nhơn) với diện tích 1.000 m2 có thể nuôi trồng được hơn 2.000 phôi nấm.

Chị Kim cho biết, trên thị trường hiện nay, nấm bào ngư tiêu thụ khá mạnh và giá cả ổn định khoảng 30.000 đồng/kg. Với diện tích nhà nấm nói trên, chị Kim trồng trên 2.000 bịch phôi, sau khi trừ chi phí, mỗi bịch phôi thu lợi nhuận khoảng 4.000 đồng.

Đồng bào DTTS ở buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai) thực hành cạo mủ cao su trước thời điểm diện tích trồng cao su tập trung tại đây bắt đầu cho thu hoạch
Đồng bào DTTS ở buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai) thực hành cạo mủ cao su trước thời điểm diện tích trồng cao su tập trung tại đây bắt đầu cho thu hoạch

“Đòn bẩy” giúp bà con

Theo UBND xã Quốc Oai, Đạ Nhar là thôn duy nhất của xã có đông đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống. Toàn thôn hiện có 313 hộ/1.200 khẩu, chiếm 27,5% dân số xã Quốc Oai. Từ năm 2016, công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi vườn điều già cỗi đã được địa phương chú trọng, đến nay người dân đã chuyển đổi được trên 130 ha điều già cỗi sang trồng các loại cây khác phù hợp như: Dâu tằm, cao su, cà phê, tràm lấy gỗ, cây ăn quả, điều ghép...

Việc xóa đói giảm nghèo, chăm lo phát triển kinh tế được địa phương quan tâm thực hiện, hằng năm UBND xã xây dựng kế hoạch chăm sóc 120 ha cao su tập trung tại Tiểu khu 525; tổ chức 3 đợt công tác dân vận giúp dân chăm sóc cao su tập trung với số lượng 550 lượt người tham gia. Đến nay cao su bước sang năm thứ 6, năm 2020 đã triển khai mở miệng cạo mủ trên 40 ha, năm 2021 sẽ khai thác diện tích còn lại.

Trong 5 năm gần đây, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay khoảng 6.584 triệu đồng/179 lượt hộ vay. Nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, lao động sản xuất nên số hộ nghèo trong thôn còn 20 hộ, chiếm tỷ lệ 6,69% (giảm 20,01% so với năm 2016), hộ cận nghèo còn 41 hộ, chiếm tỷ lệ 13,71% (giảm 11,1% so với năm 2016).

Là huyện kinh tế mới với nhiều thành phần dân tộc từ các tỉnh phía Bắc, Đạ Tẻh hiện có 12.562 hộ/51.938 khẩu; trong đó, đồng bào DTTS trên toàn huyện có hơn 13 dân tộc, với 3.001 hộ/12.162 khẩu, chiếm 23,36%. Phần lớn đồng bào DTTS sống tập trung tại 5 thôn, buôn, tổ dân phố thuộc các xã Đạ Pal, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh.

Ông Lại Phước Thắng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đạ Tẻh cho biết: “Hàng năm chúng tôi tổ chức 1 - 2 đợt dân vận đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang lên các khu sản xuất giúp các hộ dân trồng và chăm sóc cây trồng. Về phát triển kinh tế, UBND huyện luôn tạo điều kiện để người dân vùng DTTS tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng”.

Riêng đối với đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, UBND huyện đã xây dựng các khu vực sản xuất tập trung để đầu tư, hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển sản xuất mà điển hình dự án tại đồi Đất đỏ xã Mỹ Đức đã hình thành vùng sản xuất cao su tập trung 65 ha; tại khu vực Trảng Cỏ xã Quốc Oai 120 ha cao su; tại buôn Tố Lan, xã An Nhơn trồng tre tầm vông 25 ha, cà phê 5 ha và phát triển một số mô hình kinh tế khác... nhằm nâng cao đời sống, đảm bảo tính ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS của huyện./.