Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

T.Hợp - 20:45, 12/05/2021

Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến khá phức tạp đang tạo điều kiện cho dịch bệnh và sâu bệnh phát triển. Nhằm hạn chế sự lây lan, phát triển của dịch bệnh, các địa phương cần chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và đàn gia súc, gia cầm.

Nhà vườn xã Hữu Định (Châu Thành, Bến Tre) đốn bỏ dừa bị sâu đầu đen gây hại. Ảnh minh họa
Nhà vườn xã Hữu Định (Châu Thành, Bến Tre) đốn bỏ dừa bị sâu đầu đen gây hại. Ảnh minh họa

Tại Bến Tre, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đến nay toàn tỉnh có khoảng 351ha vườn dừa bị sâu đầu đen tiến công, trong đó nhiễm nhẹ khoảng 93ha, nhiễm trung bình 146ha và nhiễm nặng 112ha. Ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp sinh học để phòng trừ sâu đầu đen, bảo vệ vườn dừa và môi trường.

Tại Đồng Tháp, theo Chi cục Thú y tỉnh thì hiện nay nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong tỉnh là rất cao. Nguyên nhân là do đàn gia cầm được tiêm phòng cúm đạt tỷ lệ thấp (chưa đạt 20% tổng số đàn) và đàn gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chưa được tiêm phòng. Trước tình hình trên, Chi cục Thú y đã chỉ đạo các trạm thú y huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát đàn gia súc, gia cầm, nếu phát hiện gia cầm chết thì báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để ngành chức năng có biện pháp xử lý, không để lây lan khi dịch bệnh xảy ra.

Tại Bình Định: Mới đây, một đợt rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh mạnh hại lúa Đông –Xuân trên chân ruộng 2 vụ khắp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo thống kê, tổng diện tích bị rầy gây hại trên 700ha và mật độ rầy phổ biến từ 3000 – 5000 con/m2, cục bộ có nơi trên 10.000 con/m2 gây lúa cháy chòm cục bộ và khả năng sẽ giảm về năng suất lúa. Diện tích các địa phương bị ảnh hưởng rầy nâu nặng như: huyện Tây Sơn 300ha; Phù Cát 30ha; An Nhơn 250ha và Tuy Phước 50ha.

Ngay sau khi phát hiện rầy xuất hiện hại lúa, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định đã hỗ trợ các địa phương 2 tấn thuốc Bảo vệ thực vật (gồm Bassa 50E và Sutin 5EC) và cử cán bộ xuống các địa phương phối hợp với bà con nông dân tổ chức phun các thuốc đặc trị để dập tắt ngay tận gốc mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh phát triển và lây lan ra diện tích lớn. Đồng thời, khuyến cáo nông dân tích cực công tác thăm đồng, khi phát hiện dịch bệnh thì tiến hành phun thuốc phòng trừ tận gốc.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã lây lan ra 46 xã thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố, 266 con bò mắc bệnh, 19 con phải tiêu hủy. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam đã tăng cường giám sát và xử lý kịp thời khi có bệnh viêm da nổi cục xảy ra; tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh, sát trùng chuồng trại. 

Dịch viêm da nổi cục lây lan nhanh ở Quảng Trị
Dịch viêm da nổi cục lây lan nhanh ở Quảng Trị

Tại Quảng Trị bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện từ cuối năm 2020, đến nay đã lây lan ra 43 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hóa và TP. Ðông Hà; tổng số trâu, bò mắc bệnh hơn 750 con. Hiện ngành thú y tỉnh đã phối hợp các địa phương tăng cường các biện pháp dập dịch trên đàn gia súc. 

Ngoài ra ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có nhiều diện tích cây cao su bị các bệnh khô vỏ, xì mủ gây loét vỏ cây và loét sọc miệng cạo dẫn đến tình trạng cây cao su bị chết. Địa phương có diện tích cây cao su bị nhiễm bệnh nhiều là xã Vĩnh Thuỷ với gần 50ha bị nhiễm bệnh, chủ yếu là cây cao su từ 3-5 tuổi. Nhiều hộ gia đình có diện tích cao su bị nhiễm bệnh lên đến 70% - 80%. 

Để hạn chế dịch bệnh tiếp tục phát sinh, ngành Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đang tập trung hướng dẫn người trồng cao su triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. và khuyến cáo người trồng cao su nên sử dụng các loại thuốc có hợp chất Mentalacyl và Mancozeb như Fortazeb, Vimonil, Ridomil hoặc hợp chất Phosphonate như Agri - For 400…để bôi lên vết bệnh đối với bệnh xì mủ gây loét vỏ cây và bệnh loét sọc miệng cạo. Đối với cháy nắng nên cạo phần vỏ sau đó bôi hỗn hợp thuốc Fortazeb, Vimonil, Ridomil.

Tại Thanh Hóa, ngày 10/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, sáu mẫu xét nghiệm 240 con lợn chở trên ô-tô tải BKS 38C-135.37 do Nguyễn Tiến Dũng (SN 1987, trú tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển có kết quả dương tính với DTLCP. Căn cứ kết quả xét nghiệm, ngoài buộc tiêu hủy số lợn trên, cơ quan chức năng xử phạt Nguyễn Tiến Dũng 3,5 triệu đồng về hành vi vi phạm.

Tại tỉnh Lào Cai, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 49 hộ trên địa bàn, làm 260 con lợn mắc bệnh.  Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp cho huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương và TP. Lào Cai hơn 4.000 lít hóa chất phục vụ cho tháng khử trùng, tiêu độc và xử lý ổ dịch, môi trường chăn nuôi… Tính đến ngày 11-5, xã Tả Phời, TP. Lào Cai đã khống chế được dịch. Xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh.

Huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) năm nay gieo trồng 400ha ngô, hiện đang trong giai đoạn xoáy nõn. Tuy nhiên, bệnh đốm lá, thối thân, sâu keo mùa thu..., đang gây hại rải rác tại nhiều nơi trên địa bàn. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời gian tới người dân cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng và thực hiện tốt các hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.

Tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, tính đến ngày 11/5, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò xuất hiện ở sáu xã, thị trấn trên địa bàn, làm 47 con bò mắc bệnh. Hiện lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm khống chế dịch bệnh, góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tại Điện Biên  có 11 xã thuộc huyện Điện Biên, dịch lợn tai xanh xuất hiện và bùng phát đầu tiên tại xã Thanh Chăn sau đó lan nhanh ra các xã Thanh Luông, Thanh Nưa, Thanh Hưng, Noong Luống, Sam Mứn, Noong Hẹt ... Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 620 con lợn mắc bệnh, trong đó đã chết 110 con. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Điện Biên hướng dẫn, triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch, kiên quyết không để dịch lây lan; lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các trục đường giao thông để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường thực hiện công tác giám sát dịch bệnh tai xanh trên địa bàn tỉnh; cử cán bộ xuống tăng cường cho vùng có dịch để hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn; tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường vùng dịch trên địa bàn huyện Điện Biên. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ phải chỉ đạo cơ quan thú y kiểm tra, thực hiện cách ly và nuôi nhốt gia súc bị bệnh, đồng thời lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm./.