Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Tết đang ngày càng ấm hơn

PV - 17:31, 25/01/2021

30 năm qua, tất cả các Tết Nguyên đán có rét đậm rét hại đều xảy ra từ năm 2013 trở về trước. Từ năm 2014 đến nay, không năm nào rét đậm rơi vào 2 ngày là 30 và mùng 1 Tết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biến đổi khí hậu làm Tết ấm hơn

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết vào dịp Tết Nguyên đán đang ngày càng ấm hơn chính là biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu. 30 năm qua, tất cả các Tết nguyên đán có rét đậm rét hại đều xảy ra từ năm 2013 trở về trước. Từ năm 2014 đến nay, không năm nào rét đậm rơi vào 2 ngày là 30 và mùng 1 Tết. Thống kê rét đậm rét hại dịp Tết Nguyên đán trong 30 năm qua ở khu vực Hà Nội và các vùng lân cận cho thấy, số lần rét hại đã xảy ra là 8/30. Cụ thể từ năm 1991 - 2000 là 5 lần, từ năm 2001 - 2010 là 2 lần, từ năm 2010 - 2020 là 1 lần. Rét hại đã từng xảy ra vào các năm 1993, 1995, 1996, 1997, 1998, 2004, 2008 và 2012. Số lần rét đậm đã xảy ra là 2/30 lần vào các năm 2011 và 2013. Như vậy, từ năm 2014 đến nay không năm nào rét đậm rơi vào đúng Tết Nguyên đán mà chỉ có rét và lạnh.

Nhiệt độ dự báo từ ngày 22/1 - 22/2 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra như sau: Trong 10 ngày đầu của thời kỳ dự báo MJO hoạt động yếu, ít có khả năng hình thành xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn, tập trung trong những ngày tháng 2.

Từ nay đến cuối tháng 1, không khí lạnh (KKL) tiếp tục suy yếu và biến tính dần, khoảng ngày 25 - 26/1 áp cao lạnh lục địa tăng cường yếu nên các tỉnh thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng có mưa rào rải rác, nhiệt độ giảm nhẹ. Sau đó, khoảng ngày 28/1 KKL tiếp tục được tăng cường với cường độ mạnh hơn, từ ngày 29/1 Bắc Bộ có khả năng chuyển rét đậm, vùng núi có nơi rét hại trong những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2.

Nhiệt độ trung bình trong thời kỳ dự báo trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn từ 0,5 - 1 độ C, khu vực phía Đông Bắc Bộ cao hơn từ 1 - 2 độ C; khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN); riêng khu vực Trung Trung Bộ ở mức xấp xỉ dưới (thấp hơn khoảng 0,5 độ C) so với TBNN cùng thời kỳ.

Thời tiết dịp Tết ổn định trên toàn quốc

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo các thông tin dự báo có được đến thời điểm này thì có thể nhận định thời tiết trong dịp Tết Tân Sửu có một số đặc điểm như sau: Giai đoạn này miền Bắc vẫn chịu ảnh hưởng của KKL tuy nhiên cường độ không mạnh như nửa đầu tháng 1/2021 nên khoảng thời gian trước Tết Ông Công, Ông Táo vùng núi rét đậm, rét hại, khu vực đồng bằng xấp xỉ mức rét đậm. Những ngày trước và sau Tết (khoảng từ 10 - 14/2) KKL có cường độ trung bình, nền nhiệt ở Bắc Bộ ở ngưỡng trời rét, vùng núi rét đậm.

“Nhìn chung thời tiết ổn định trong dịp Tết trên phạm vi toàn quốc, ngoại trừ Trung Trung Bộ có thể có mưa nhỏ do tác động của gió Đông Bắc. Từ thời điểm này trở đi, KKL suy yếu và khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 1 ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng; sang tháng 2 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 8 ngày rét đậm, năm nay chúng tôi dự báo tháng 2 nhiệt độ trung bình tháng ở mức xấp xỉ so với TBNN vì thế ở các tỉnh miền Bắc trong tháng 2/2021 còn xuất hiện thêm khoảng 8 - 10 ngày rét đậm nữa. Còn sang tháng 3 thì trời sẽ ấm dần lên”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.

Với đánh giá sơ bộ như vậy, thời tiết Tết Nguyên đán năm 2021 khả năng là rét nhưng tính chất rét đậm, rét hại hay chỉ là một đợt rét trung bình thì dự báo thời tiết gần mới có thể hạn chế sai số được. Những dự báo hiện nay chỉ mang tính chất xu thế. Tuy vậy theo các thống kê ở trên thì khả năng xảy ra rét hại, rét đậm là rất thấp. Nền nhiệt trung bình lại cao hơn từ 0,5 - 1 độ C nên thời tiết Tết Nguyên đán không có gì thay đổi bất thường, duy trì rét vừa phải, có nắng.

Tin cùng chuyên mục