Để có một ngày Tết Độc lập rộn ràng đúng nghĩa, bà con người Mông (Sơn La) đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Gái thì rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa xuống thị trấn.
Sẽ thật là thiếu sót nếu dự Tết Độc lập mà không nhắc tới phong tục kết bạn của đồng bào Mông. Đó là khi dưới ánh lửa bập bùng, khi men rượu ngô đã đượm, người ta gặp nhau bên mâm cơm, dù bản làng xa cách bao nhiêu họ vẫn kết thành bạn hữu, kết nghĩa anh em, kết duyên nam nữ... Chính vì vậy mà theo thời gian, Tết mỗi năm lại đông hơn. Kể từ những năm 90 của thế kỷ XX, Tết Độc lập ngày một đông vui, hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Những năm 2000, lại thêm người Mông ở Việt Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về Mộc Châu (Sơn La) vui Tết bản Mông. Không chỉ vậy, các dân tộc anh em như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú… ở các bản lân cận cũng rủ nhau về thị trấn Mộc Châu đón Tết. Dần dần, Tết Độc lập ở Mộc Châu trở thành tết chung của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Từ sáng sơm, tiếng gọi nhau í ới, tiếng reo hò từ các hoạt động vui chơi như thi ẩm thực (giã bánh dày), các trò chơi dân gian truyền thống... khiến cả một không gian vùng cao nguyên xanh rộn ràng trong âm thanh và sắc màu đắm say của ngày hội. Thị trấn nhỏ trên cao nguyên Mộc Châu trở thành điểm đến của hội ngộ, là dịp đồng bào Mông trao đổi tình cảm, gắn kết cộng đồng, nơi trai gái tìm nhau rồi nên nghĩa trăm năm.
Đến 1/9, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc phiên chợ "phong lưu" duy nhất trong năm của người Mông tại Mộc Châu diễn ra. Các chàng trai thi nhau thổi khèn bên những cô gái trẻ đẹp, váy áo sặc sỡ. Trai gái tụ tập thành từng nhóm, trêu đùa, hát giao duyên cho đến sáng.
Chợ phong lưu là nơi để các chàng trai, cô gái gửi gắm những hò hẹn, nhớ thương và trao gửi tình cảm của không ít đôi lứa. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều mối tình đã nên duyên chồng vợ, nhưng cũng nhiều đôi vì nhiều lý do mà chẳng thể đến được với nhau. Họ mong mỏi cả năm để tìm đến chợ này, gặp lại cố nhân để tâm sự, để trút vợi niềm thương nhớ cho nhau.
Có lẽ không nơi đâu có sự tụ hội, "khoe sắc" trong ngày Tết Độc lập như ở cao nguyên Mộc Châu. Với những lễ hội sôi động, náo nhiệt, độc đáo và những khoảnh khắc giao hòa cùng thiên nhiên và con người nơi cao nguyên với tiếng sáo Mông vi vút gọi bạn, tiếng khèn xao xuyến và những nếp váy xòe thổ cẩm… tạo ấn tượng không thể nào quên với du khách về vùng đất cao nguyên Mộc Châu.
Cũng như người Mông ở Mộc Châu, từ khi Cách mạng tháng 8 thành công đến nay, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, người Mường ở các bản làng khắp huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình lại rộn ràng đón Tết Độc lập. Trong làng, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn rượu ngon, lợn, gà, vịt béo, cơm nếp mới để liên hoan trong ngày Tết; đường làng, ngõ xóm đến mỗi nếp nhà đều được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, khang trang; tiếng hát, tiếng cồng chiêng ngân vang đón Tết…
Trong câu chuyện với các bậc cao niên ở thôn Bái Rùa, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, chúng tôi được biết, năm nào Tết Độc lập trên quê hương Lạc Sơn cũng rất sôi nổi. Người dân tất bật chuẩn bị những mâm cơm thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh trong lễ hội. Những người đàn ông thì làm cỗ thịt, phụ nữ thì đồ xôi, gói bánh uôi, người trẻ thì sửa soạn hoa quả, bánh kẹo bày lên bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ. Người , nhà nhà xin cho gia đình sức khỏe, xin cho làng xã được ấm no, xin cho quê hương đất nước luôn yên bình và giàu mạnh. Đó là những điều ước giản đơn mà cao quý của người Mường nơi đây.
Trong không khí rộn ràng của mùa Thu lịch sử, cùng với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, người Thái ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vui mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 và cũng dịp này, bà con người Thái hân hoán đón mừng ngày Tết Độc lập...
Từ một tuần nay, không khí chào đón ngày Tết Độc lập trong xã đã náo nức khác thường. Trên mọi ngả đường của 5 thôn Hát 1 và Hát 2, Lừu 1, Lừu 2 và thôn Vũng Tầu nhà nào nhà nấy bảo nhau quét dọn, sửa sang ngay ngắn, sạch đẹp… Không khí Tết từ trong nhà ra ngoài ngõ, trên những con đường vào bản... Bà Lò Thị Đông, thôn Hát 2, xã Hát Lừu cho biết "Trước kia, bà con bản mình khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo đói quanh năm, phương tiện đi lại cũng không có, đường sá đi lại thì khó khăn, trong bản cũng không có điện. Bây giờ thì khác rồi, trong bản hầu như nhà nào cũng đi chợ bằng xe máy, nhà ai cũng có tivi, điện thoại, trẻ em từ 2 tuổi trở lên cũng đã được đến trường. Có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, năm nào bà con ở Hát Lừu cũng ăn Tết Độc lập"…
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngày Tết Độc lập đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Hát Lừu. Đồng thời, đây cũng là cách mà người Thái dạy cho con cháu mình nhớ về sự kiện trọng đại của đất nước, nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nhớ về ngày mà tất cả các dân tộc cùng hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Đối với mỗi người dân đất Việt, ngày Quốc khánh bao giờ cũng là ngày đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì cờ, hoa, biểu ngữ rực rỡ, các điểm văn hóa, văn nghệ diễn ra trên các tuyến đường, tuyến phố, mà ngay ở trong lòng người dân, ngày 2/9 đã thực sự trở thành ngày Tết. Với những giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc mà cả dân tộc đã đổ máu xương để dựng xây và gìn giữ, ngày Tết Độc lập sẽ mãi là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và mai sau.