Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thái Nguyên: Cải thiện tầm vóc trẻ từ mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng

Trang Diệp - 12:59, 20/10/2022

Những năm gần đây, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được cải thiện; tuy nhiên ở một số địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, tỷ lệ SDD ở trẻ em vẫn còn cao. Với việc triển khai mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng thuộc Chương trình “Không còn nạn đói đến năm 2025”, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực nâng cao tầm vóc của trẻ, nhất là trẻ em người DTTS.

Năm 2021, mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa.
Ngày 10/10/2022, dự án Xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tỉnh Thái Nguyên đã cung cấp 3.000 con gà giống cho 30 hộ nghèo ở 7 xóm thuộc xã Liên Minh, huyện Võ Nhai 

Nhân rộng mô hình

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi chiếm 9,1%, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể chiều cao/tuổi là 12,7%, giảm 0,6% so với cùng kỳ...

Tuy nhiên, hiện nay, đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh còn không ít khó khăn nên vấn đề dinh dưỡng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Trước thực trạng đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng tại một số địa phương có tỷ lệ trẻ SDD cao.

Năm 2021, Dự án Xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa. Đối tượng thụ hưởng là 25 hộ đáp ứng các điều kiện: Có trẻ em dưới 5 tuổi; hộ có bà mẹ mang thai; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu lương thực thực phẩm nhưng có điều kiện sản xuất. Dự án hỗ trợ cho 25 hộ nuôi gà mái giống ri lai L1HB/hộ tổng số là 3.000 con. Kinh phí thực hiện mô hình là 455 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng, Nhân dân đóng góp công, chuồng trại, máng ăn với tổng trị giá 105 triệu đồng.

Trước khi triển khai, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Linh Thông đã tiến hành khảo sát lựa chọn từng hộ gia đình, tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho đại diện các hộ tham gia chương trình tham quan học tập phát triển mô hình bền vững.

Đồng thời, cung ứng giống gà, thức ăn hỗn hợp giai đoạn 1, hỗ trợ sát khuẩn chuồng trại, tiêm phòng vắc xin theo đúng định mức kỹ thuật. Huyện Định Hóa cũng cử cán bộ thú y thường xuyên theo dõi và hướng dẫn các hộ tham gia mô hình chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Đàn gà của các hộ tham gia mô hình đạt tỷ lệ sống cao đạt trên 96%; sinh trưởng và phát triển tốt, được các hộ dân phấn khởi ghi nhận.

Các hộ tham gia dự án được hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất, tập huấn cho người dân về sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng hợp lý về sử dụng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng … qua đó, các hộ tham gia bước đầu đã có những thay đổi về nhận thức, biết cách sản xuất lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ… Người dân đều có mong muốn được nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác.

Năm 2021, mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa (Trong ảnh: Cung cấp thức ăn nuôi gà cho các hộ dân tham gia Dự án).
Năm 2021, mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa (Trong ảnh: Cung cấp thức ăn nuôi gà cho các hộ dân tham gia Dự án).

Từ kết quả năm 2021, năm 2022, Dự án “Mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại tỉnh Thái Nguyên” tiếp tục được triển khai. Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã cấp 3.000 con gà giống cho 30 hộ nghèo thuộc 7 xóm trên địa bàn xã Liên Minh. Theo đó, mỗi hộ được nhận 100 con gà giống đã qua 14 ngày tuổi, đây là giống gà ri Hòa Bình. Ngoài cấp gà giống, các hộ còn được cấp 100% thức ăn công nghiệp, vật tư và thuốc thú y trong thời gian 3 tháng.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Dự án “Mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại tỉnh Thái Nguyên” nhằm tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế, góp phần đảm bảo lương thực, thực phẩm đủ dinh dưỡng, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các hộ nghèo để từng bước giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo; góp phần cùng xã Liên Minh phấn đầu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022 này.

Lan tỏa kiến thức về dinh dưỡng

Quan trọng hơn, thông qua mô hình, người dân tiếp cận được tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nuôi gà thịt nói riêng, chăn nuôi gia cầm nói chung; đồng thời kiến thức về bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày sẽ được nâng lên, góp phần kéo giảm tình trạng SDD ở trẻ. Thành công của mô hình triển khai ở Liên Minh là cơ sở để nhân rộng ở các xã khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Được biết, Liên Minh là xã vùng cao thuộc huyện Võ Nhai, với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, trong đó đồng bào DTTS chiếm 58%. Những năm gần đây, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, xã Liên Minh đã có nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội; tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, nhiều gia đình cần được hỗ trợ để vươn lên trong cuộc sống.

Theo bà Vũ Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, trên địa bàn xã hiện vẫn còn 308 hộ nghèo và 75 hộ cận nghèo. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ huyện đã hỗ trợ 3 hộ nghèo của xã sửa chữa, xây mới nhà ở. Cùng với đó, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 300 lượt người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, qua đó trên 100 lao động địa phương đã tìm được việc làm mới.

Tăng cường tuyên truyền phòng chống SDD ở bà mẹ, trẻ em. (Trong ảnh: Cán bộ y tế cơ sở tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại xã vùng cao Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).
Tăng cường tuyên truyền phòng chống SDD ở bà mẹ, trẻ em. (Trong ảnh: Cán bộ y tế cơ sở tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại xã vùng cao Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).

Vấn đề trăn trở ở Liên Minh là do đời sống khó khăn, đại bộ phận người dân nơi đây chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Điều cần thiết với đồng bào là những kiến thức mới về cải thiện dinh dưỡng gắn với phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Trước thực tế đó, trong năm 2022 này, triển Khai Chương trình “Không còn nạn đói đến năm 2025”, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn I tổ chức lớp tập huấn về thực hành nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng ở xã Liên Minh. Qua tập huấn sẽ hướng dẫn người dân phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, tạo nguồn thực phẩm sẵn có và đa dạng tại hộ gia đình.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, lớp tập huấn tại xã Liên Minh, huyện Võ Nhai sẽ hướng dẫn người dân cách thức, thực hành sử dụng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; sử dụng có hiệu quả lương thực, thực phẩm ở hộ gia đình, từ đó có thể áp dụng vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn gia đình góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em.

“Trong năm 2022, cùng với xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh thì sẽ có các lớp tập huấn được mở tại các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ/TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tập huấn không chỉ giúp người dân tại địa phương thực hành nông nghiệp, bảo đảm dinh dưỡng mà còn giúp lan tỏa, nhân rộng được kiến thức, mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng ra các hộ dân khác, đáp ứng mục tiêu của Chương trình Không còn nạn đói tại Việt Nam đến năm 2025”, ông Thịnh thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.