Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Điểm tựa cho các hợp tác xã phát triển bền vững

Hà Anh - 10:55, 16/10/2022

Được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 5 tỷ đồng, đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thái Nguyên đã giúp cho nhiều HTX, thành viên HTX, thành viên Tổ hợp tác mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, góp phần tăng doanh thu, thu nhập, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương
Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 4.500 tổ hợp tác (THT) với hơn 73.000 thành viên; 643 HTX với trên 42.500 thành viên và người lao động. Toàn tỉnh có 4 Liên hiệp HTX với 26 HTX thành viên, tổng số vốn điều lệ là 33 tỷ đồng.

Năm 2021, mặc dù phải chịu những tác động từ đại dịch Covid-19, song khối kinh tế tập thể của tỉnh đã duy trì việc làm ổn định cho các thành viên, người lao động. Nhiều đơn vị đã năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động. Có được kết quả đó, không thể không nhắc đến sự trợ giúp đắc lực, từ nguồn vốn của quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.

Đơn cử như trường hợp của HTX nông nghiệp Quế Linh, ở xã Bảo Linh (Định Hóa). Thành lập từ cuối năm 2021, HTX chuyên trồng cây gai xanh để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất sợi dệt. Từ 7ha ban đầu, đến nay, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu lên đến gần 40ha và phấn đấu đạt 100ha vào cuối năm nay.

Ông Hà Việt Hoàng, Giám đốc HTX nông nghiệp Quế Linh, chia sẻ: Khi mới thành lập, HTX gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất… Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con xã viên trong hợp tác xã. Sau lớp tập huấn, được chứng kiến quy trình sản xuất cây gai xanh AP1, phổ biến về hiệu quả kinh tế cũng như được tư vấn, hỗ trợ từ phía đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm, bà con đã yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (thuộc Liên minh HTX tỉnh) đã hỗ trợ chúng tôi vay số vốn 500 triệu đồng để nhập phân bón, giống và máy tuốt vỏ gai cung cấp cho bà con... từ đó giúp HTX có điều kiện phát triển mở rộng sản xuất, đem lại thu nhập cho bà con từ cây gai xanh với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg vỏ gai...

Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực rõ rệt về mặt kinh tế - xã hội, giúp cho nhiều HTX phát triển, mở rộng sản xuất tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương
Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ đã giúp cho nhiều HTX phát triển, mở rộng sản xuất tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương

Tương tự, mặc dù gặp phải khó khăn do đại dịch Covid-19, tuy nhiên được sự hỗ trợ kịp thời từ vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX lên đến hơn 2,5 tỷ đồng, cùng hàng loạt hỗ trợ qua nhiều giai đoạn khác nên HTX miến Việt Cường (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) đã vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất ổn định.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX miến Việt Cường, thông tin: Với sự hỗ trợ kịp thời từ hỗ trợ vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cùng với những hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật sản suất... đến nay, sản lượng xuất bán của HTX ước đạt gần 500 tấn/năm, doanh thu đem lại khoảng 40 tỷ đồng, gần 30 lao động và 40 xã viên vẫn đều việc với mức thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

HTX nông nghiệp Quế Linh và HTX miến Việt Cường chỉ là 2 trong số nhiều HTX nhận được sự giúp đỡ hiệu quả từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thái Nguyên. Tính đến 31/7/2022, dư nợ tín dụng của Quỹ là hơn 51 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều HTX đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại… 

Các HTX, tổ hợp tác sau khi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho thành thành viên, người lao động, góp phần xây dựng các mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực rõ rệt về mặt kinh tế và xã hội, giúp cho nhiều HTX, thành viên HTX, thành viên tổ hợp tác mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, góp phần tăng doanh thu, thu nhập, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương theo hướng phát triển bền vững. Từ đó, hình thành nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác tiêu biểu trong các ngành nghề, lĩnh vực, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương. Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, để hỗ trợ kịp thời các tổ hợp tác, HTX giải quyết khó khăn do dịch bệnh, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn các đơn vị thành viên, có nhu cầu vay vốn xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để giải ngân nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm; xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới... 

Cùng với đó là các giải pháp triển khai ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số theo hướng chuyên nghiệp; tiếp tục đào tạo, nâng cao, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ HTX để nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.