Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Thận trọng khi tìm việc qua mạng xã hội

Lê Vũ - 15:19, 30/05/2023

Lừa đảo khi tuyển dụng việc làm qua mạng không phải là chiêu trò mới, tuy nhiên, thời gian qua trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều lao động bị mất việc do công ty giảm đơn hàng, giải thể… nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu tìm việc làm tăng cao, liên tục bày ra nhiều bẫy công việc “ảo” nhằm thu lợi bất chính.

Thận trọng khi tìm việc qua mạng xã hội
Đối tượng tên Tuấn mạo nhận là nhân viên công ty tuyển dụng đồng thời làm giả mạo các giấy tờ của tổ chức tín dụng để lừa đảo chị Phi

Chị Nguyễn Ngọc Phi (quê ở Tiền Giang, đang ngụ Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sau dịch chị xin được vào làm ở công ty về may mặc, tuy nhiên do bị giảm đơn hàng, nên công ty đã phải cắt giảm nhân sự và chị nằm trong số đó. Chị phải xin đi làm thêm phụ quán ăn của người quen, đồng thời lên mạng tìm công việc phù hợp để kiếm thêm thu nhập. Sau vài hôm chị được mời vào một hội nhóm trên mạng xã hội và được giới thiệu công việc trực, nhập dữ liệu một kênh bán hàng online đồ gia dụng, mỹ phẩm, thời gian làm việc online 2 đến 3 giờ/ 1 ngày, kèm mức thu nhập “mơ ước” 200 - 400 nghìn đồng/ ngày chưa tính hoa hồng, lương nhận theo tuần.

Vốn cũng tính cẩn thận, nên sau vài ngày tìm hiểu cùng với sự chia sẻ của các thành viên trong nhóm, chị Phi mới đồng ý đăng ký công việc. Sau khi cung cấp mọi thông tin qua mạng theo yêu cầu (chụp ảnh các mặt của căn cước công dân, quay Video Clip chân dung…) chị Phi được một tư vấn tên Tuấn yêu cầu chị mở ví cá nhân thông qua ứng dụng để nhận lương vì công ty chỉ thanh toán qua đó. Sau đó Tuấn thông báo với chị Phi là với hồ sơ của chị thì ngoài được nhận làm việc, chị được công ty duyệt cho khoản vay là 30 triệu - đây là sản phẩm kết hợp với công ty tài chính uy tín để hỗ trợ cho người lao động. Nếu chị đồng ý thì điền thông tin Online theo mẫu và sẽ được giải ngân ngay, mỗi khi công ty thanh toán lương sẽ khấu trừ dần tiền vay trong 24 tháng. Một phần vì đang cần tiền lo cho con cái, một phần thu nhập giảm do mất việc, hơn nữa nhận thấy đã có công việc ổn định, khoản vay trừ vào lương nên chị không ngần ngại đồng ý.

Tuy nhiên, ngay sau đó chiêu trò lập tức được giở ra, đối tượng Tuấn thông báo với chị Phi là tài khoản mà chị cung cấp bị sai nên dẫn đến lỗi hệ thống … do đó tiền có trong ví nhưng chị không thể rút về được. Trường hợp này chị phải đóng 6 triệu vào một tài khoản do công ty chỉ định để xử lý, rồi sau đó chị sẽ được nhận về 36 triệu đầy đủ. Đối tượng này còn có những thủ đoạn hết sức tinh vi là gửi cho chị Phi xem các hình ảnh công ty, văn bản xử lý khoản vay của chị có chữ ký đóng mộc hẳn hoi (thực chất đều là giả mạo). Nhưng khi chị Phi chuyển khoản 6 triệu đồng theo yêu cầu thì đối tượng Tuấn mất dạng, hội nhóm cũng không còn, công việc cũng không thấy đâu, đến lúc này chị Phi mới biết mình đã bị lừa.

Tương tự, chị Lò Thị Thức (dân tộc Thái, đang ngụ quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chị từ Thanh Hoá vào đây đi làm công nhân nhưng mất việc từ sau Tết, do bản thân lớn tuổi, khá nhút nhát và thời điểm sau Tết xin việc khó khăn nên chị đã lang thang lên mạng xã hội để tìm việc làm. Chị để lại số điện thoại trên một nhóm tuyển dụng thì được một người gọi điện, yêu cầu kết bạn qua Zalo để gửi thông tin công việc cho chị. Qua trao đổi bằng điện thoại, Zalo nhận thấy thông tin công việc khá rõ ràng nên chị đã nhận lời làm việc. Chị được cấp một tài khoản để quản lý đơn hàng Online và bắt buộc mua một bộ sản phẩm làm đẹp để làm mẫu giới thiệu cho khách hàng. Sau khi chuyển khoản số tiền hơn một triệu đồng thì người tư vấn cho chị đã khóa số, khóa Zalo. Tài khoản quản lý đơn hàng cũng không còn đăng nhập được.

Thận trọng khi tìm việc qua mạng xã hội 1
Sau thời gian tìm việc qua mạng và bị lừa đảo, chị Lò Thị Thức đã trực tiếp xin phụ việc tại một quán ăn, tuy thu nhập không bằng lúc trước nhưng tạm ổn định

Chị Phi, chị Thức chỉ là điển hình trong số rất nhiều trường hợp bị lừa tuyển dụng việc làm trong thời gian gần đây. Còn nhiều trường hợp với nhiều hình thức khá phổ biến nữa là đăng tuyển thông tin công việc với chế độ, phúc lợi hấp dẫn, nhưng thông tin công ty thì mập mờ, nhằm lôi kéo người lao động đến gặp trực tiếp phỏng vấn, nhưng khi người xin việc đến phỏng vấn thì được yêu cầu mua hồ sơ với giá 200 - 300 ngàn đồng (nhưng nhiều người bị lừa) rồi sau đó tá hỏa ra đây là công ty đa cấp hoặc một kiểu công ty “dạy làm giàu” bằng cách “hô khẩu hiệu”… cuối cùng dẫn đến tiền mất, tật mang ra về.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), đánh vào tâm lý nhiều người muốn làm việc tại nhà để có thời gian chăm con, muốn kiếm thêm thu nhập..., các đối tượng thường dùng mọi cách để lôi kéo họ tham gia, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Một số hành vi có dấu hiệu lừa đảo tìm việc mà người tìm việc cần thận trọng như: thu tiền làm hồ sơ tuyển dụng, đặt cọc tiền trước khi chính thức nhận việc, bắt đóng tiền mở tài khoản trả lương, yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với app (ứng dụng) trả lương.

Thận trọng khi tìm việc qua mạng xã hội 2
Các đối tượng lừa đảo thường xuyên dùng danh nghĩa các công ty có tên tuổi để đăng tuyển dụng

Có thể thấy, những kẻ lừa đảo qua mạng thủ đoạn tuy đơn giản nhưng khó đối phó và thủ đoạn rất tinh vi. Các số điện thoại, số tài khoản ngân hàng hầu hết đều không chính chủ. Thậm chí chúng dùng nhiều tài khoản và thực hiện chuyển tiền nhiều lần nhằm xóa dấu vết điều tra của cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, cơ quan Công an các địa phương cũng thường xuyên khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi nhận được lời mời chào tham gia “việc làm Online”, “việc nhẹ lương cao”; chủ động phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để chủ động phòng ngừa tội phạm, người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Tin cùng chuyên mục
Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tỷ lệ lao động (LĐ) chưa qua đào tạo còn cao, là rào cản lớn trong việc cải thiện việc làm, thu nhập ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh thị trường LĐ ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, bên cạnh mở rộng quy mô để tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo thì cũng cần tăng đào tạo kỷ năng mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh.