Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Tháng 7 tri ân, đồng vọng!

Thanh Hải - 20:01, 20/07/2021

Lớp cha trước, lớp con sau; những cuộc chia tay lên đường cứu nước có ai ngờ là cuộc chia ly mãi mãi. Họ ra đi giữa mùa Xuân của đất trời, giữa mùa Xuân của cuộc đời để rồi tên mình “khắc vào đá núi”, hóa thành hồn thiêng sông núi...

Thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên dòng Thạch Hãn - Quảng Trị
Thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên dòng Thạch Hãn - Quảng Trị

Tôi đã từng có dịp đi qua nhiều vùng trên dải đất  miền Trung. Miền Trung quê tôi xưa là chiến trường, đầy những hố bom, hầm hào, địa đạo… Những cựu binh đã từng hành quân trên dãy Trường Sơn, ăn ngủ dưới những cánh rừng già nơi ấy hẳn không bao giờ quên cảnh sắc bâng khuâng đến nao lòng. 

Dọc Trường Sơn, những khe suối vẫn chập chờn bướm trắng, nắng vẫn vàng rực rỡ, chói chang như nhuộm thắm “màu hoa đỏ” một chiều biên giới. Và nơi ấy còn biết bao liệt sĩ chưa được tìm thấy, đã nhập vào hồn cây, ngọn núi, hóa thân thành mây trắng cuối trời? 

Rồi khi xuôi về đồng bằng, từ dòng Gianh đi qua cầu Hiền Lương vào Bến Hải, thành cổ Quảng Trị… lòng người lại se sắt, ngậm ngùi khi hai bên đường chi chít những ngôi mộ tập thể, chi chít những nấm mồ trắng trong hàng trăm nghĩa trang lớn nhỏ, vang vọng một nỗi niềm day dứt: “Có người lính, mùa Xuân ấy ra đi từ đó không về”...

Trong triệu triệu người lính đã ngã xuống, có tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới, gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng dở dang. Có dòng nhật ký với nét chữ vội vàng cùng thổn thức một tình yêu tuổi trẻ. Có những dự định mãi không thể hoàn thành, dẫu chỉ giản đơn: Hết chiến tranh con về với mẹ… 

Cá nhân tôi cũng luôn tự hỏi lòng mình, đã có bao nhiêu người lính đã nằm xuống nhưng chẳng để lại một tấm hình, một phong thư mà chỉ để lại những khoảng trống mãi không thể lấp đầy trong lòng người ở lại. Họ ra đi giữa mùa Xuân của đất trời, giữa mùa Xuân của cuộc đời để rồi tên mình “khắc vào đá núi”; để những người mẹ, người vợ suốt một đời ngóng trông, chờ đợi? Tất cả bấy nhiêu đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử của những người lính thời đại Hồ Chí Minh.

Đời người, xin hãy một lần đặt chân đến các nghĩa trang liệt sĩ, để cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh! Hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc chiến vệ quốc - một nỗi đau quá lớn, một con số quá khủng khiếp. Nhưng bao người thân đã đau nỗi đau dai dẳng, âm thầm suốt hàng chục năm qua, thì đó là nỗi đau lớn hơn gấp bội phần. Hơn 200 ngàn liệt sĩ chưa được tìm thấy sau hàng chục năm đất nước im tiếng súng nhưng chưa ai dám khẳng định, đâu là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng…

Không bút nào kể xiết, chẳng thể nói đủ thành lời về những mất mát, đau thương. Mỗi nấm mồ, mỗi số phận, mỗi cuộc đời nhưng đã vì độc lập, tự do, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà dâng hiến tuổi xuân xanh. 

Trong hàng triệu gia đình liệt sĩ trên đất nước Việt Nam, có những tấm gương đã trở thành biểu tượng của đức hy sinh. Bao lần tiễn con ra trận là bấy nhiêu lần mẹ “khóc thầm lặng lẽ”. Chiến tranh đã cướp đi của mẹ Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) 12 người thân yêu nhất. Giữa hòa bình, mẹ ngồi đó như hóa đá, bên cạnh mâm cơm đợi chờ người thân trong vô vọng, trong bao nỗi niềm, trong nỗi đau đớn đến vô cùng…

Hiếm có đất nước nào mà mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ; của thương, bệnh binh, của lực lượng thanh niên xung phong, của quân, dân ta. Và cũng hiếm có đất nước nào, mà mỗi miền quê, mỗi xã phường, mỗi làng mạc, khu phố đều có nghĩa trang liệt sĩ. 

Đi qua hai cuộc chiến tranh, cả nước có gần 800 ngàn thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; hơn 300 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111 ngàn người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày. 

Đấy là chưa kể đến hơn 4 triệu dân thường đã bị chết, bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại… Cái giá của hòa bình lớn đến nhường nào.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hàng ngàn Anh hùng liệt sĩ
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hàng ngàn Anh hùng liệt sĩ

Và những mất mát, hi sinh ấy chẳng thể là vô nghĩa. Mỗi tấc đất, tấc biển mà cha ông ngàn đời gìn giữ vẫn vẹn nguyên cho mãi đến hôm nay. Dân tộc Việt Nam vẫn kiên cường qua bao giông bão mà hiên ngang, sánh vai cùng bốn bể, năm châu.

Biết ơn những người lính, đã có gần 10 ngàn công trình tri ân, ghi công liệt sĩ được dựng lên trên khắp cả nước. Nhưng làm sao nói hết nỗi niềm của hậu thế, của những người còn sống hôm nay, với lớp lớp cha anh đã không tiếc máu xương và tuổi xuân cho nền độc lập? Tự bao giờ, tháng Bảy, có một ngày rất đỗi thiêng liêng dành riêng cho các anh hùng liệt sĩ; dành riêng cho các thương, bệnh binh đã dâng hiến một phần máu thịt của mình cho non sông, đất nước...

Tháng Bảy về, có ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa cùng khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang. Những dòng sông cũng trở nên lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng tưởng nhớ những linh hồn bất diệt. Ngày 27/7 đã trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên. Sự tri ân của hậu thế dẫu lớn đến nhường nào, thì vẫn mãi mãi chưa thể xứng với lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do. 

Tri ân, tưởng nhớ không chỉ là những việc làm cụ thể bằng chế độ chính sách, bằng những ngôi nhà tình nghĩa, bằng những gói quà, những lời nói động viên... Có một sự tri ân, tưởng nhớ, biết ơn cần phải được lưu tâm hơn, chú ý hơn; ấy là hậu thế hôm nay phải sống sao để xứng đáng với sự hi sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.

Tôi chợt nhận ra rằng, nghĩa trang đâu phải là nơi chết chóc? Mà chính những cái chết hóa thành bất tử của lớp lớp ông cha đang yên nghỉ, đã phục sinh cho cõi sống. Tôi cũng nhận ra rằng, đó chính là nơi làm mình thêm thiết tha yêu, thêm ắp đầy trong huyết quản niềm tự hào dân tộc, niềm tự tôn đất nước, giống nòi...