Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tháng Tám, về an toàn khu Định Hóa

PV - 11:01, 16/08/2019

Nhân dịp 74 năm, ngày cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2019), chúng tôi về thăm lại an toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi được mệnh danh là “thủ đô kháng chiến”.

Dừng chân ở đồi Khau Tý

Từ Thủ đô Hà Nội đi chừng 80km về TP. Thái Nguyên rồi men theo những con đường quanh co, khúc cua tay áo hơn 60km quanh đồi núi điệp trùng, mới tới được ATK Định Hóa. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là di tích Khau Tý thuộc xóm Nà Tra, xã Điềm Mạc. Đây là địa điểm ngày 20/5/1947 Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bác Hồ đã ở và làm việc tại đây trong thời gian từ 20/5 đến 10/11/1947.

Cảm nhận đầu tiên về với ATK Định Hóa trong những ngày nắng vàng chói chang được xoa dịu bởi rừng cọ, đồi chè hùng vĩ, xanh mát trải dài ngút ngàn; là hình ảnh ngôi nhà sàn nơi Bác Hồ từng làm việc hiện ra thật đơn sơ mà thân thương gần gũi.

Nông thôn mới ở Định Hóa. Nông thôn mới ở Định Hóa.

Ông Trần Văn Thấm, người tham gia bảo vệ di tích Khau Tý gần 20 năm nay rót chén trà xanh thơm thảo của vùng đất Thái Nguyên, chậm rãi kể, khi ông sinh ra, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã không còn ở Khau Tý nhưng những câu chuyện của Người với đồng bào thôn Nà Tra, về lịch sử cách mạng của vùng đất thì không bao giờ phai nhạt. Những người già vẫn thường kể cho con cháu, sở dĩ Bác chọn nơi đây làm căn cứ vì vị trí quan trọng của nó. Từ nơi đây, có con đường mòn đi Sơn Dương, xuống Đại Từ, lên Chợ Đồn, ra Phú Lương và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện. Tại Di tích này vẫn còn lán ở của Bác, trong thời gian ở đây Bác đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và bài thơ “Cảnh Khuya” nổi tiếng.

Ông Thấm cũng cho biết thêm, mặc dù Bác chỉ ở lại Khau Tý làm việc nửa năm, nhưng hình ảnh của Người mãi mãi in đậm trong lòng đồng bào nơi đây. Ngay khi Bác chuyển đi được hơn 1 năm, nhiều người dân trong vùng (trong đó có bố ông Thấm là cụ Trần Văn Mai) đã tình nguyện sửa chữa và trông coi căn lán Bác ở. Vì thế, khi quy hoạch lại di tích này, người dân vẫn giữ được ngôi nhà sàn gần như nguyên vẹn.

Gặp người hàng xóm của Bác tại đồi Tỉn Keo

Di tích đồi Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình, cũng là một di tích đã gắn với những mốc son hào hùng trong lịch sử dân tộc. Tại điểm này năm xưa, Hồ Chủ Tịch đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bà Ma Thị Tôm trao đổi với phóng viên. Bà Ma Thị Tôm trao đổi với phóng viên.

Đến Tỉn Keo, thế hệ trẻ chúng tôi càng thấm hơn về một hình ảnh của Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại, nhà quân sự tài ba, một con người thật giản dị gần gũi. Bà Ma Thị Tôm là người hàng xóm của Bác trong suốt thời gian Bác ở Tỉn Keo nay đã 90 tuổi. Bà Tôm kể, ngày ấy bà khoảng mười chín, đôi mươi, bà về làm vợ ông Lương Đình Nam. Bên hàng xóm của bà có cơ quan ông Ké, với khoảng gần 20 người sinh sống. Họ cũng sinh hoạt như biết bao gia đình khác ở Tỉn Keo và thường giúp đỡ gia đình bà. Trong trí nhớ của bà, họ thực sự là những người hàng xóm rất tốt bụng. “Ông Ké thỉnh thoảng cũng đi dạo quanh khu vườn nhìn khoan thai như một ông bụt vậy”, bà nói.

Cho đến bây giờ, bà Tôm vẫn không thể quên hình ảnh của ông Ké trước lúc chia tay gia đình bà. Khi ông Ké đi, ông có để lại cho bà một chú chó rất khôn ngoan mà ông yêu quý, cùng hàng rào hoa râm bụt, ông dặn bà, thỉnh thoảng sang trông nhà cho ông.

Bà Tôm còn nhớ nguyên cảm giác gia đình bà bịn rịn chia tay với những người hàng xóm tốt bụng này. Vì thế, nhớ lời ông Ké dặn việc trông coi ngôi nhà cho ông trở thành một nghĩa vụ thiêng liêng của gia đình bà. Khi cơ quan ông Ké chuyển đi, bà thường xuyên sang dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn cây. Mãi sau này bà mới biết ông Ké chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta. Biết được điều ấy, bà càng thêm kính yêu vị cha già vĩ đại của dân tộc.

Về ATK hôm nay, chúng ta không chỉ được sống lại những ký ức hào hùng của một thời kỳ lịch sử, mà còn thấy thêm yêu, trân trọng mảnh đất giàu truyền thống này. Mặc dù là xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, Định Hóa đã có 6/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt bình quân từ 10-16 tiêu chí; kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.