Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Thanh Hóa: Cần ưu tiên nguồn lực đảm bảo an toàn cho người dân sống trong vùng sạt lở

Quỳnh Trâm - 17:24, 26/11/2021

Trên địa bàn khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều hộ dân sống trong vùng nguy cơ có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đa phần, các hộ dân là đồng bào DTTS, có điều kiện kinh tế khó khăn, không có kinh phí để di chuyển đến nơi ở mới nên luôn phải sống trong nỗi bất an mỗi khi đến mùa mưa bão.

Đất đá sạt lở xuống nhà dân ở khu Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn
Đất đá sạt lở xuống nhà dân ở khu Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn

Người dân bất an với nỗi lo sạt lở

Khu vực Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện biên giới Quan Sơn, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Các hộ dân sống dưới chân một quả đồi lớn. Hai năm gần đây, vết nứt trên đồi ngày càng lớn, đất đá liên tục sạt trượt xuống chân núi khiến người dân vô cùng lo lắng.

Mới đây, UBND huyện Quan Sơn đã cử cán bộ lên kiểm tra và phát hiện trên đồi xuất hiện nhiều vết nứt dọc từ trên đồi xuống có chiều dài 300m, rộng 3 - 7cm, có nơi 10 - 15cm, chiều dài sâu vào lòng đất. Ngoài ra, trên đồi có nhiều vết sụt lún đất ngang có chiều cao 1 - 3m, chiều dài 200m làm nghiêng, đổ, gãy các loại cây trồng trên đồi. Bề mặt đất bị vỡ và nứt, rất dễ sạt lở khi có mưa kéo dài. Hiện khu vực này đang có 17 hộ dân với 77 dân khẩu đang đang sinh sống dưới chân đồi.

Mỗi khi trời mưa lớn, ông Lương Văn Bản, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, lại tất bật đưa vợ con tìm nơi lánh an toàn, đợi hết mưa bão mới trở về nhà. “Thời gian gần đây đất đá, cây trên đồi thường xuyên sạt trượt xuống ngay cạnh nhà dân và nhà văn hóa. Mỗi khi mưa bão, chúng tôi cứ thấp thỏm, ăn ngủ không yên”, ông Bản nói.

Các hộ dân sống trong khu Co Hương, bản Ngàm (xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn) phập phồng lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về
Các hộ dân sống trong khu Co Hương, bản Ngàm (xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn) phập phồng lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: "Việc di dời dân trong vùng nguy cơ cao sạt lở, là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, địa phương còn thiếu kinh phí, dù mặt bằng đã có rồi, trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ Nhân dân làm tốt việc phòng, chống thiên tai và sạt lở đất...".

Là vùng có nguy cơ cao lũ ống lũ quét và sạt lở, bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát nằm lọt thỏm trong lòng chảo, 4 bên là núi cao chót vót, nhiều nơi đã lộ ra những vết nứt, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Vào mùa mưa, nước cứ trào ra từ chân núi. Nhớ lại cơn "đại hồng thủy" đã tàn phá bản Lát, xã Tam Chung năm 2018, người dân không khỏi lo sợ thảm cảnh tái diễn.

Trưởng bản Giàng A Chống nói: “Bất kể ngày đêm, lúc mưa to, thấy nguy cơ là phải báo động cho bà con sơ tán đến nơi an toàn. Việc này cả bản đã tập luyện theo tình huống, cũng vài lần phải báo động rồi, nhưng sợ nhất là tình huống bất ngờ, không kịp chạy thì nguy hiểm lắm”.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 2.778 hộ/11.897 khẩu đang sinh sống ở 83 xã thuộc 12 huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét và có 5.725 hộ/23.868 khẩu sống tại 17 huyện, thị xã đang sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Các hộ chủ yếu tập trung ở huyện miền núi Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước, Thường Xuân, Thạch Thành...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo giúp dân sơ tán, tránh sạt lở đất tại xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) vào giữa tháng 10/2021
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo giúp dân sơ tán, tránh sạt lở đất tại xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) vào giữa tháng 10/2021

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu sắp xếp, ổn định cho hơn 4.300 hộ dân trong vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Tuy đã được quy hoạch, xây dựng chương trình cụ thể, nhưng việc di chuyển, tái định cư số hộ dân này đến nơi an toàn không thể trong ngày một ngày hai. Bởi hầu hết các địa phương chưa đủ khả năng, tiềm lực thực hiện.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, trước mắt, các cấp chính quyền cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống thiên tai đến người dân; đề cao ý thức phòng ngừa, chủ động ứng phó trước mọi tình huống.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phải được đề cao. Thực tế, qua theo dõi các trận lũ quét, sạt lở đất vừa qua cho thấy, khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lực lượng thường mất thông tin liên lạc; giao thông bị chia cắt, dẫn đến lực lượng cứu hộ tiếp cận địa bàn chưa kịp thời, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ thô sơ và thiếu thốn...

Các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên ngành cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời bổ sung các trạm đo mưa đầu nguồn các lưu vực, các thiết bị thông tin, truyền tin kịp thời đến nơi ở, sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng và người dân; lập bản đồ cảnh báo một cách chi tiết, cụ thể, chính xác các khu dân cư…

 Tuy nhiên, giải pháp quan trọng cần được đặt lên hàng đầu để thực hiện, đó là, địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, đầu tư di dời các hộ dân sống trong vùng sạt lở đến nơi an toàn.