Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thanh Hóa: Hiệu quả từ chính sách giáo dục cho học sinh DTTS

Quỳnh Trâm - 07:25, 10/06/2024

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy giáo dục cho con em đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhiều học sinh ở miền núi có cơ hội tiếp cận được tri thức, nâng cao dân trí, tạo nên nguồn nhân lực chủ chốt phục vụ cho các huyện miền núi, góp sức xây dựng quê hương.

Thầy và trò Trường THPT DTNT Thanh Hóa những năm qua đã chắp cánh ước mơ đến bến bờ tri thức cho hàng ngàn học sinh DTTS
Thầy và trò Trường THPT DTNT Thanh Hóa những năm qua đã chắp cánh ước mơ đến bến bờ tri thức cho hàng ngàn học sinh DTTS

Nâng bước trẻ em DTTS đến trường

Tỉnh Thanh Hoá có 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có thôn miền núi. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Nổi bật là việc hỗ trợ gạo theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NÐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Ngoài hỗ trợ gạo, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở. Cụ thể, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Năm học 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa có 3.138 học sinh/40 trường được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở.

Trường Tiểu học Luận Khê, huyện Thường Xuân hiện có 329 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái; trong đó có 128 học sinh được hỗ trợ gạo và tiền theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP.

Thầy giáo Vi Nguyên Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Luận Khê 2, huyện Thường Xuân cho biết, cùng với tiếp sức cho các em đến trường, chính sách hỗ trợ gạo, tiền cho học sinh của Chính phủ còn giúp hàng trăm em học sinh có cơ hội đến trường, giải quyết bài toán khó khăn về lương thực và kinh phí mua sách giáo khoa cho học sinh. Điều này giúp nối dài thêm những ước mơ được cắp sách đến trường của học sinh nghèo ở các xã miền núi.

Những chính sách của Nhà nước đối với con em DTTS Thanh Hóa phát huy hiệu quả
Những chính sách của Nhà nước đối với con em DTTS Thanh Hóa phát huy hiệu quả

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền núi

Để làm tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền núi, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên của Nhà nước. Cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Từ năm 2002, Trường được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của khối trường THPT Dân tộc nội trú trên cả nước.

Nhiều năm nay quy mô Trường là 18 lớp với tổng số 540 học sinh, tuy nhiên từ năm học 2024 - 2025, khi cơ sở vật chất được nâng lên, nhà trường sẽ tăng tuyển sinh từ 150 lên 180 học sinh khối lớp 10.

Thầy Lê Đình Thuật, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, một trong những việc đầu tiên, xuyên suốt là chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhiệt huyết, yêu nghề, mỗi người đều phải có nhận thức đúng là họ vinh dự đang được công tác tại loại hình trường chuyên biệt.

“Các em học sinh từ các xã miền núi xa xôi đến đây học tập, với phương châm “Trường là nhà, miền núi là quê hương”, đây là ngôi nhà thứ 2 của các em. Vì thế giáo viên luôn dành sự thương yêu học trò, sát sao, chăm lo và uốn nắn các em như con em mình”, thầy Thuật chia sẻ.

Với chính sách đặc thù, các em học sinh của trường được Nhà nước bao cấp toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt. Với học bổng tương đương 1,2 triệu đồng/tháng/học sinh, số tiền này sẽ chi vào việc ăn uống hằng ngày.

Những năm gần đây, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục của tỉnh. Hằng năm, Trường có trên 99% học sinh thi đỗ tốt nghiệp, trên 85% học sinh đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học, trong đó có nhiều học sinh đỗ thủ khoa. Đến nay đã có hơn 3.000 em học sinh từ mái trường này đã và đang học tập, công tác ở các lĩnh vực công tác khác nhau. Nhiều học sinh đã trở thành cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến huyện, xã.

Thực tế cho thấy, việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách giáo dục của Chính phủ đối với học sinh DTTS tại Thanh Hoá đã góp phần vào công cuộc nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp. 

Tin cùng chuyên mục
Đường đến ước mơ của chàng trai người Mông Giàng Mí Lía

Đường đến ước mơ của chàng trai người Mông Giàng Mí Lía

Dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), thế nhưng với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Giàng Mí Lía đã trở thành sinh viên Học viện An ninh Nhân dân đầu tiên của địa phương.