Nhiệm vụ của Đại hội là đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2019; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024; dự kiến Đại hội sẽ tôn vinh biểu dương, khen thưởng 31 tập thể và 242 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong đồng bào các DTTS của tỉnh.
Đại hội cũng sẽ thông qua dự thảo Quyết tâm thư Đại hội và bầu chọn để bầu ra 59 đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020
Trong giai đoạn 2014 - 2019, tổng nguồn vốn từ các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi đạt trên 80 nghìn tỷ đồng; đã thực hiện đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực miền núi. Trong đó, tổng vốn ngân sách Nhà nước là khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng, đã đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, như: Đường nối các huyện ở Tây Thanh Hóa (350 km); Đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (60 km); mở rộng, nâng cấp đường Hồi Xuân - Tén Tằn (111 km) ...
Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững (NQ 30a, CT135), chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng nguồn vốn đầu tư là gần 3,5 nghìn tỷ đồng, đã đầu tư xây dựng được gần 2 nghìn công trình thiết yếu các loại; duy tu, bảo dưỡng được hơn 250 công trình phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân...
Trung ương phân bổ gần 2,8 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình đa dạng hóa sinh kế; Chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg; Chính sách vay vốn; Chính sách đối với người có uy tín… để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 90 nghìn hộ nghèo, cận nghèo mua giống cây trồng, vật nuôi và phân bón các loại; hỗ trợ trực tiếp cho hơn 1,2 triệu khẩu của các hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiển cho hơn 4 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; thực hiện chính sách cho gần 10 nghìn lượt Người có uy tín…
Các chính sách được thực hiện có hiệu quả góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS. Trong giai đoạn 2014-2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm khu vực miền núi giảm từ 23,62% xuống 12,13%, (tương đương giảm được 23.558 hộ nghèo), bình quân giảm 2,3%/năm…
Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, tháng 5/2019, huyện Thường Xuân cũng đã tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS năm 2019 cấp huyện thành công tốt đẹp. Đại hội đã khẳng định được mục đích là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc; là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của Nhân dân.
Hiện nay, với công tác chuẩn bị chu đáo, trang trọng của Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa sắp tới sẽ là sự kiện chính trị quan trọng đang được đồng bào các DTTS hoan nghênh đón đợi. Đặc biệt, những thành tựu đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2014-2019, đặt ra trong Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp lần thứ II… sẽ là món quà ý nghĩa, là thành tựu quan trọng chào mừng Đại hội lần này. Huyện Thường Xuân cũng đã lựa chọn được các đại tiêu biểu của địa phương tham dự Đại hội cấp tỉnh.
“ Chị Lò Thị Mai, dân tộc Thái (huyện Như Xuân) chia sẻ: “Là người dân tộc thiểu số, tôi rất vui mừng và phấn khởi khi đồng bào các dân tộc được trực tiếp tham gia, hay chứng kiến sự kiện có ý nghĩa quan trọng dành cho đồng bào. Việc tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS các cấp, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Tôi mong muốn, đồng bào các DTTS ngày càng thắt chặt hơn khối đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chúng tôi sẽ theo dõi Đại hội để ủng hội Đại hội thành công tốt đẹp”.