Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thanh Hóa: Sáp nhập thôn bản-Nhiều lợi ích

PV - 14:52, 16/11/2018

Thanh Hóa có gần 6.000 thôn, tổ dân phố, hơn 35 nghìn người là cán bộ, nhân viên thôn, tổ dân phố hoạt động không chuyên trách. Bộ máy cồng kềnh đã khiến tăng chi từ ngân sách, tồn tại cơ chế dân nuôi. Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa chủ động, tích cực sáp nhập thôn, tổ dân phố nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

Yêu cầu phù hợp thực tiễn

Huyện miền núi Ngọc Lặc là một trong những địa phương có số thôn, bản nhiều nhất tỉnh. Đây là kết quả sau nhiều lần chia tách theo hình thức sản xuất tổ đội từ những năm 1980. Việc chia tách quá nhiều thôn bộc lộ những bất cập, đặc biệt là trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng NTM và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Việc nhất thể 2 chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn, bản ở khu vực miền núi Thanh Hóa đem lại hiệu quả tích cực trong điều hành công việc (Trong ảnh: Người dân huyện Quan Sơn tham gia lao động). Việc nhất thể 2 chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn, bản ở khu vực miền núi Thanh Hóa đem lại hiệu quả tích cực trong điều hành công việc (Trong ảnh: Người dân huyện Quan Sơn tham gia lao động).

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố trước mắt giảm chi ngân sách nhà nước cho những người hoạt động không chuyên trách, kinh phí hoạt động của các chi hội, đoàn thể. Điều này rất ý nghĩa đối với xã nghèo miền núi, đang phụ thuộc điều tiết từ ngân sách cấp trên và nguồn đầu tư từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a và các chính sách trợ giúp đồng bào DTTS, hộ đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Tại Ngọc Lặc, Đề án sáp nhập đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, từ 281 thôn, bản xuống còn 213, giảm được 68 thôn.

Tại huyện Quan Sơn, các xã cũng đã thực hiện xong nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Ông Chu Đình Trọng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quan Sơn cho biết, việc nhất thể 2 chức danh tại 99 thôn bản của huyện không chỉ đem lại hiệu quả tích cực trong điều hành công việc mà còn giảm được gần 200 cán bộ ở thôn, bản.

Sau hơn 01 năm tổ chức triển khai thực hiện đề án về sáp nhập thôn, tổ dân phố, tỉnh Thanh Hóa đã giảm số lượng lớn thôn, tổ dân phố. Cụ thể, trước tháng 12/2016, toàn tỉnh có 5.971 thôn bản, tổ dân phố. Đến giữa tháng 7/2018, HĐND tỉnh Thanh Hoá đã sáp nhập 3.100 thôn.

Sự đồng thuận cao

Ông Ðầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến thời điểm này, Thanh Hoá có 7 huyện thực hiện nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Riêng huyện miền núi Quan Sơn đã thực hiện nhất thể 100%. Việc sáp nhập thôn bản cùng với nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn bản, tổ dân phố, ngoài nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tinh gọn bộ máy, còn là cơ sở để sửa phụ cấp cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố theo hướng tăng lên.

Tuy nhiên, tại thời điểm tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện Đề án (18/9/2017), Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Thông tư 09/2017/TT-BNV về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, vì vậy tỉnh Thanh Hóa khuyến khích các địa phương chủ động cập nhật, áp dụng trong sáp nhập thôn, tổ dân phố để có quy mô lớn hơn. Hiện, một số huyện như: Cẩm Thủy, Như Thanh, Yên Định... đã chủ động thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố theo tiêu chí mới ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi.

Đến nay, sau khi thẩm định hồ sơ, Đề án sáp nhập thành lập thôn, tổ dân phố của các địa phương, toàn tỉnh đã giảm được hơn 1.600 thôn, tổ dân phố, hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra (giảm từ 1.200-1.300 thôn, tổ dân phố, 7.000 người hoạt động không chuyên trách; giảm chi mỗi năm gần 100 tỷ đồng)...

QUỲNH TRÂM