Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thanh Hóa: Thực hiện nghiêm phòng chống dịch tại các điểm hoạt động tâm linh

Quỳnh Trâm - 20:24, 28/02/2021

Thanh Hóa là địa phương có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, lễ hội truyền thống thu hút du khách trên địa bàn cả nước mỗi dịp đầu năm. Tuy nhiên, năm nay để an toàn cho người dân, cộng đồng xã hội, địa phương đã dừng tổ chức các lễ hội đông người, chỉ cho phép thực hiện những nghi lễ thực hành tín ngưỡng nhưng giám sát thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Du khách thực hiện sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào dâng hương tại Đền Độc Cước
Du khách thực hiện sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào dâng hương tại Đền Độc Cước

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết du khách đến chỉ được dâng hương, sau đó được hướng dẫn đi trở ra theo một lối khác, mỗi lượt dâng hương không có quá 30 người. Mọi hoạt động như làm lễ cầu may, hát văn đều bị nghiêm cấm…

Tại Đền Cửa Đạt – đền thờ Bà chúa Thượng ngàn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), lượng du khách về đây dâng hương, chiêm bái cũng đã giảm đến 2/3 so với năm ngoái. Để nâng cao ý thức cho người dân và hạn chế tiếp xúc đông người, từ cổng ra vào, lực lượng chức năng đã phân luồng, đảm bảo về lưu lượng khách phù hợp. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng đi lại lộn xộn, chen lấn, tụ tập. Một chiếc xe chuyên dụng của ban tổ chức luôn phát đi thông điệp về các phương pháp phòng chống dịch cũng như các quy tắc vệ sinh khử khuẩn, đeo khẩu trang khi đến dâng hương.

Chị Lê Thị Liên, du khách ở thành phố Thanh Hóa đến dâng hương tại Đền Cửa Đạt cho biết: Cách bố trí, xắp xếp, hướng dẫn từng người vào hành lễ của Ban quản lý di tích cùng với các biện pháp phòng, chống dịch được mọi người thực hiện nghiêm nên chị cảm thấy yên tâm hơn.

Lượng du khách đến dâng hương tại Đền Nưa- Am Tiên giảm nhiều so với mọi năm
Lượng du khách đến dâng hương tại Đền Nưa- Am Tiên giảm nhiều so với mọi năm

Ông Đỗ Doãn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân, chia sẻ: Để đảm bảo về công tác phòng chống dịch, Ban quản lý đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, là việc điều tiết lưu lượng du khách ra vào thực hành tín ngưỡng đúng quy định ngay từ các bãi xe đến trước khi vào đền. Đồng thời Ban quản lý các di tích cũng chuẩn bị các băng rôn, khẩu hiệu, nước sát khuẩn cũng như liên tục tuyên truyền trên loa đài về việc thực hiện các quy định, đeo khẩu trang, sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách, cấm tụ tập đông người…

Ý thức phòng chống dịch COVID-19 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia một số đền, như: Đền Nưa – Am Tiên, Đền Độc Cước, Đền Sòng Sơn…cũng được Ban quản lý và các du khách hết sức chú ý. Theo Ban quản lý di tích tại các đền này, số lượng khách năm nay chỉ chiếm khoảng hơn 10% so với mọi năm. Tuy nhiên không vì thế mà Ban quản lý lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh.

Các hoạt động du xuân cũng chấp hành nghiêm quy định chống dịch
Các hoạt động du xuân cũng chấp hành nghiêm quy định chống dịch

Để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Ban quản lý đã trang bị hàng nghìn khẩu trang, cũng như nước sát khuẩn để phát miễn phí cho du khách. Đặc biệt, không để trường hợp du khách ra vào di tích khi chưa đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn theo quy định.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 1.500 khu điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh. Ngoài các điểm đến giải trí tạo được không gian check in đẹp thì các khu, điểm du lịch tâm linh cũng thu hút rất đông Nhân dân dịp đầu năm mới.

Ngoài việc vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, Ban quản lý các khu, điểm du lịch tỉnh Thanh Hóa trong phòng chống dịch COVID-19, thì điều quan trọng là người dân và du khách cần thực hiện nghiêm công tác phòng dịch để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Điều này cũng góp phần vào công tác phòng chống dịch COVID-19 của địa phương, đem lại những ngày Xuân ấm áp, vui tươi và an toàn.