Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Thanh Hóa: Thực trạng hiện tại của 11 “chúa tể sơn lâm” tại cơ sở nuôi nhốt gia đình

Quỳnh Trâm - 15:50, 15/02/2022

Nuôi nhốt trong khu chuồng chật hẹp, thiếu người chăm sóc, thức ăn hạn chế, giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản đã hết hạn từ giữa năm 2017... Đó là tình trạng hiện tại của đàn hổ 11 con, ở cơ sở nuôi nhốt hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, thôn 27 Cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Đàn hổ 11 con nuôi nhốt trong khu chuồng chật chội khiến chúng không thể sinh trưởng, sinh sản bình thường
Việc nuôi nhốt đàn hổ 11 con trong khu chuồng chật chội khiến chúng không thể sinh trưởng, sinh sản bình thường

Cơ sở nuôi nhốt hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến được cấp giấy chứng nhận trại nuôi năm 2012, tuy nhiên đã hết thời hạn từ giữa năm 2017. Gia đình ông Chiến đã nhiều lần đề nghị cấp giấy phép mới, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, do vướng các quy định của pháp luật; đồng thời là  việc thu hồi hổ không thực hiện được do chưa có căn cứ.

Trước sức lớn, phát triển của 11 con hổ trưởng thành (từ 100 - 200kg/con), trong đó có 4 cá thể đực, 7 cá thể cái, tổng trọng lượng trên 1.750kg. Tất cả đều là hổ Đông Dương thuần chủng đang nuôi nhốt ở xã Xuân Tín, khiến người trông nuôi và cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. 

Cơ sở nuôi nhốt hổ gặp khó khăn khi mỗi ngày phải bỏ khoản kinh phí lớn để chăm sóc đàn hổ ăn (khoảng 95 - 100 kg thịt bò hay đầu gà/ngày)
Cơ sở nuôi nhốt hổ đang gặp khó khăn khi mỗi ngày phải bỏ khoản kinh phí lớn để chăm sóc đàn hổ ăn (khoảng 95 - 100 kg thịt bò hay đầu gà/ngày)

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, năm 2007, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, 52 tuổi, ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, mua 10 con hổ, mỗi con nặng trung bình 7 kg, đưa từ Lào về. Cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt ông Chiến 30 triệu đồng và cho phép được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ. Năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 con hổ khác và một lần nữa bị phạt 30 triệu đồng. Quá trình nuôi nhốt, vào các năm 2007, 2010, 2012, 4 con hổ bị chết, đàn còn lại 11 con.

Ông Trịnh Đình Bạch, người trông nuôi hổ duy nhất ở đây cho biết: Trại nuôi rộng 4.000 m2, thiết kế nhiều hạng mục như, nhà trú mưa nắng, nơi ăn uống, phòng thú y, phòng sinh sản, hành lang, sân chơi... Chuồng nuôi được xây tường bao quanh, bên trên lắp lưới thép B40, cao 4,5 m và có 3 lớp cửa kiên cố. Hằng ngày ông Bạch làm vệ sinh chuồng trại, kiểm tra an toàn lưới rào. Buổi trưa ông bơm nước uống, cuối giờ chiều chia thức ăn cho vật nuôi. Khẩu phần ăn của đàn hổ khác nhau giữa mùa đông và mùa hè, song chủ yếu là đầu gà cấp đông. Mùa lạnh, đàn hổ ăn khoảng 95 - 100 kg thịt, còn thời tiết nóng thì lượng thực phẩm cũng giảm hơn.

Theo ông Bạch, hiện sức khỏe đàn hổ ổn định.Tuy nhiên, do chuồng hẹp, hổ đực thường tấn công nhau để giành bạn tình, nhất là vào kỳ động dục khiến một con bị thương.

Để bảo đảm an toàn cho người chăm sóc hổ, chuồng nuôi phải được xây tường bao quanh, bên trên quây lưới thép B40, cao 4,5 m và có 3 lớp cửa kiên cố
Cơ sở vật chất chuồng trại nuôi nhốt hổ đang xuống cấp, nguy cơ thiếu an toàn cho người chăn nuôi

Ông Lê Văn Hài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân cho biết, đàn hổ đang nuôi nhốt tại xã Xuân Tín được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận nuôi số 1148/KL-BTTN ngày 22/5/2012, hết hạn vào ngày 22/5/2017. Gia đình ông Chiến nhiều lần đề nghị cấp giấy phép mới, nhưng không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận, do vướng quy định pháp luật. 

Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa có căn cứ tịch thu số hổ. Hiện nay, cở sở vật chất của chuồng nuôi đang có dấu hiệu xuống cấp, không bảo đảm các điều kiện an toàn, cũng như điều kiện sinh sống cho đàn hổ về lâu dài.

Được biết, ngày 28/10/2018, hộ gia đình ông Chiến đã làm đơn tự nguyện chuyển giao hổ, gửi về UBND tỉnh Thanh Hóa, Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên cho đến nay, gia đình vẫn đang phải chăm nuôi đàn hổ và chịu tất cả các loại chi phí từ thức ăn, sửa chữa chuồng trại, thuê người trông nuôi hổ; cũng như ký cam kết tuân thủ mọi quy định của pháp luật.

Ông Lê Văn Hài cũng cho biết thêm: Hạt cũng đã gửi tham mưu cho các cơ quan ban ngành liên quan đề nghị chuyển giao 11 cá thể hổ cho các Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, hoặc các cơ sở có đầy đủ các điều kiện nuôi nhốt theo quy định. Nếu để chủ cơ sở tiếp tục nuôi nhốt, phải có cơ chế chính sách rõ ràng để hỗ trợ cơ sở. 

Đặc biệt, phải bảo đảm nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng các cá thể hổ phát triển sinh sản bình thường; chuồng trại phải có hệ thống cống rãnh, bể chứa xử lý nước thải. Về người nuôi, phải được đào tạo hướng dẫn về  cách chăm sóc; có bác sỹ thú y có đủ kiến thức về chăm sóc động vật hoang dã...".

"Để bảo đảm công tác chăm sóc và bảo tồn loài hổ, đặc biệt là công tác quản lý nuôi nhốt hổ tại cộng đồng, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, bất cập, để bảo vệ, gìn giữ loài động vật hoang dã quý hiếm đang trên đà bị tuyệt chủng này", ông Lê Văn Hài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân tiếp tục đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến ngày 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.