Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thành phố Hạ Long: Vượt khó, đưa nước sạch đến 10 xã miền núi, vùng cao

Mỹ Dung - 16:32, 31/03/2025

Xác định, việc đưa nước sạch về các thôn, xã miền núi vùng cao là một trong những nhiệm vụ mang ý nghĩa thiết thực nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, do vậy thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho 10 xã miền núi, dự kiến có khoảng 4.000 hộ dân được thụ hưởng.

Thành phố Hạ Long đang đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho 10 xã miền núi
Thành phố Hạ Long đang đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho 10 xã miền núi, vùng cao

Mặc dù là cư dân thuộc thành phố Hạ Long, nhưng người dân ở nhiều xã như Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng... đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân, do địa hình ở những xã này chủ yếu là đồi núi cao, giao thông khó khăn, dân cư phân tán nên việc xây dựng các hệ thống cấp nước tập trung gặp nhiều trở ngại, chủ yếu dựa vào nước mưa và các nguồn nước tự nhiên như suối, giếng khoan. 

Tuy nhiên, các nguồn nước này không ổn định và dễ bị ô nhiễm vào mùa mưa, mùa khô. Đặc biệt, trong mùa khô, nguồn nước này trở nên khan hiếm, không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nguồn nước sinh hoạt ở nhiều khu vực vùng cao có chất lượng kém, bị ô nhiễm do thiếu hệ thống xử lý nước.

Chia sẻ về điều này, anh Triệu Văn Linh, một người dân tại xã Đồng Lâm cho biết: “Chúng tôi phải lấy nước trực tiếp từ các khe suối kéo về từng nhà để sử dụng. Vào mùa khô thì gần như thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, cơn bão số 3 năm 2024 đã làm ảnh hưởng đến nhiều đến đường ống. Chúng tôi rất mong dự án nước sạch do Thành phố đầu tư sớm hoàn thành để bà con có thể dùng nước sạch”.

Nguồn sinh thủy của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy bị cạn kiệt, dẫn đến nguồn dự trữ nước không đủ phục vụ cho Nhân dân
Nguồn sinh thủy của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy bị cạn kiệt, dẫn đến nguồn dự trữ nước không đủ phục vụ cho Nhân dân

Địa hình đồi núi, mật độ dân cư thưa thớt; và tập quán của người dân quen sử dụng nước từ các khe suối khiến các doanh nghiệp tư nhân ít mặn mà đầu tư hạ tầng nước sạch tại các xã miền núi. Đây cũng là thách thức lớn của thành phố Hạ Long, khi hiện vẫn còn 10 xã ở khu vực vùng cao chưa có nước sạch.

Để giải bài toán này, thành phố Hạ Long đã triển khai 4 dự án cấp nước tập trung, với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng, gồm các công trình đập dâng, bể lọc, mạng lưới ống dẫn nước và các trạm bơm tăng áp,... đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch ổn định cho người dân.

Tại các xã miền núi có địa hình tương đối thấp như Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình,... thành phố Hạ Long thực hiện đấu nối, mở rộng hệ thống đường ống cấp nước sạch từ các nhà máy nước Đồng Ho và Hoành Bồ về trung tâm các xã. Riêng 2 xã vùng cao Đồng Sơn và Kỳ Thượng cần đầu tư đồng bộ từ đập dâng, trạm bơm, khu xử lý nước đến mạng lưới phân phối do khu vực này có địa hình phức tạp.

Ông Lê Đình Hoàng, Phó Trưởng ban Chỉ huy công trường đập dâng nước sạch thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn cho biết, trong quá trình thi công có một số khó khăn như xử lý dòng chảy, địa chất không đồng đều,... song đơn vị đang nỗ lực khắc phục, đảm bảo thi công đạt chất lượng cao.

“Công ty tôi hiện đang thi công đập dâng nước nhằm phục vụ việc cung cấp nước thô cho hệ thống xử lý nước sạch sinh hoạt của người dân. Công trình bao gồm hai vai đập (phải và trái), cả hai đều được gia cố bằng bê tông, cùng với một đập ngăn có sân thượng lưu và hệ thống tiêu năng hạ lưu", ông Hoàng thông tin.

Các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực và vật lực, tăng ca, tăng kíp để phấn đấu cơ bản hoàn thành các dự án trước 30/5
Các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực và vật lực, tăng ca, tăng kíp để phấn đấu cơ bản hoàn thành các dự án trước 30/5

Hệ thống cấp nước sạch tại 10 xã vùng cao của thành phố Hạ Long khi hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho hơn 4.000 hộ dân, nâng tỷ lệ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 87,19%.

Ông Vi Văn Đạo, Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Dân Chủ cho biết: “Từ khi dự án được triển khai với sự phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cùng người dân, đã thường xuyên theo dõi tiến độ thi công, giám sát quá trình thực hiện các hạng mục như đổ bê tông, xây dựng hố nhằm đảm bảo chất lượng".

Việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch tại các xã vùng cao, không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giúp người dân tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở miền núi. Đây cũng là bước đi quan trọng để thành phố Hạ Long thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Theo Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hạ Long, theo kế hoạch ban đầu, các dự án sẽ hoàn thành trong tháng 7/2025. Tuy nhiên, thành phố đã có chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn 30% thời gian thực hiện các dự án; đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực và vật lực, tăng ca, tăng kíp để phấn đấu cơ bản hoàn thành các dự án trước 30/5.

Tin cùng chuyên mục
Để diêm dân Bạc Liêu “sống” được với hạt muối: Cần chính sách đủ mạnh (Bài cuối)

Để diêm dân Bạc Liêu “sống” được với hạt muối: Cần chính sách đủ mạnh (Bài cuối)

Mặc dù đã có những thay đổi tích cực từ các dự án đầu tư và cách làm của bà con diêm dân trong việc duy trì nghề truyền thống ở Bạc Liêu, tuy nhiên, để nghề làm muối Bạc Liêu có thể hòa nhập theo xu hướng "kỷ nguyên vươn mình" của đất nước, với những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách đủ mạnh.