Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Thào Mí Hầu với quyết tâm làm giàu trên vùng đất khó

Văn Hoa - Minh Đức - 11:48, 07/06/2021

Tốt nghiệp ngành Luật, Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, nhưng anh Thào Mí Hầu, 29 tuổi, dân tộc Mông, thôn Nàn Tàn, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã trở về địa phương lập nghiệp, quyết định thay đổi cuộc sống nơi vùng đất biên cương khó nhọc.

Anh Thào Mí Hầu (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn kỹ thuật ươm hồi với thanh niêm trong thôn
Anh Thào Mí Hầu (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn kỹ thuật ươm hồi cho thanh niêm trong thôn

Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Mông đông anh em, có hoàn cảnh ĐBKK, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, Thào Mí Hầu sớm đã có những dự định về tương lai của mình. Những năm cấp 3, Hầu đã nung nấu ý tưởng phải trồng một cây gì đó để thay cho cây ngô, cây sắn, để phủ xanh vùng đồi trọc lởm chởm những mỏm đá tai mèo.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hầu nghỉ học mấy tháng để tìm ý tưởng; tuy nhiên không biết bắt đầu trồng cây gì cho phù hợp với vùng đất khô cằn. Được sự động viên của thầy cô giáo, Hầu quyết định xuống Thái Nguyên theo học ngành Luật tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính. Với mong muốn, sau này có thêm kiến thức về luật giúp cho bản thân, gia đình và hướng dẫn cho bà con khi gặp khó khăn, vướng mắc biết cái gì đúng, cái gì sai.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp, Thào Mí Hầu trở về quê hương lập gia đình. Anh không theo nghề học mà tiếp tục theo đuổi ước mơ trồng cây gì đó để phủ xanh những đồi trọc và làm giàu trên chính vùng quê nghèo. 

Những ngày đầu lập nghiệp, Thào Mí Hầu nuôi gà, trồng bưởi da xanh, do không có kỹ thuật nên đều thất bại, lỗ trên 30 triệu đồng. Nói về cơ duyên đến với cây hồi, anh Hầu bộc bạch, ban đầu, anh có ý tưởng trồng cây sa mộc nên sang tận tỉnh Cao Bằng tìm mua. Tại đây, anh thấy người ta trồng hồi nên tò mò tìm hiểu. Nhận thấy đây là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, nên anh quyết định trồng hồi. Vì không có vốn mua cây giống nên Hầu quyết định mua hạt hồi về ươm. 

Sau bao khó nhọc, đến nay gia đình anh đã trồng được 3 ha rừng cây hồi cao lớn trên 2m. Năm 2019, vừa ươm hồi để trồng, anh Hầu vừa bán cây giống thu được hơn 12 triệu. Nhận thấy đây là một hướng đi tốt, năm 2020, anh Hầu mở rộng cây giống bán cho bà con thu được trên 100 triệu đồng, giải quyết tạm thời những khó khăn về vốn.

Anh Thào Mí Hầu chia sẻ cơ duyên với cây hồi
Anh Thào Mí Hầu chia sẻ cơ duyên với cây hồi

Năm 2021 này, anh mở rộng diện tích ươm lên đến 100 nghìn cây con bán sang các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn và huyện Yên Minh – Hà Giang. Đặc biệt mới đây, còn có một  Việt kiều tại nước Nga liên hệ đặt mua với số lượng lớn. 

Nhờ trồng hồi và trồng cây ăn quả, cùng với chăn nuôi tổng hợp, anh Hầu đã trở thành hộ khá giả trong thôn. Mô hình trồng hồi làm giàu của anh Thào Mí Hầu, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao; nhiều hộ trong thôn cũng đến học tập và làm theo. Để hỗ trợ người dân phát triển cây hồi, anh Hầu rất  tích cực hỗ trợ về giống, kĩ thuật chăm sóc cho bà con.

Ông Lò Ngọc Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc cho biết: Mô hình trồng hồi của anh Hầu rất tiềm năng, xã sẽ tổ chức cho Nhân dân các thôn khác đến học tập kinh nghiệm và khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây hồi. Kỳ vọng đây sẽ là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng để giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Ngày 15/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II, năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.