Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Mô hình HTX thanh niên DTTS và miền núi khởi nghiệp: Những điểm sáng ở vùng khó (Bài 1)

Thúy Hồng - 16:29, 29/03/2021

Thời gian gần đây, các mô hình hợp tác xã (HTX) thanh niên khởi nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên địa phương. Tuy nhiên, để các mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, thì vẫn cần tháo gỡ những vướng mắc và có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ khác.

Phó Bí thư Đoàn xã Tân Vinh, Đinh Thế Ngữ Tôn hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất rau an toàn, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Phó Bí thư Đoàn xã Tân Vinh, Đinh Thế Ngữ Tôn hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất rau an toàn, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Tại vùng DTTS và miền núi ngày càng xuất hiện nhiều điển hình thuộc thế hệ 8X, 9X...hiện là giám đốc quản lý những mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp có thu nhập tiền tỷ. Những điểm sáng này đang góp phần lan toả, khơi dậy phong trào thanh niên nông thôn, vùng DTTS và miền núi lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.

Nêu cao lý tưởng, khát vọng của tuổi trẻ

Anh Đinh Thế Ngữ Tôn, dân tộc Mường, ở xóm Đồng Chũi, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là cái tên không còn xa lạ đối với người dân nơi đây. Đinh Thế Ngữ Tôn được biết đến, là gương mặt xuất sắc đại diện cho tinh thần khát vọng khởi nghiệp của tuổi trẻ huyện Lương Sơn, khi giành giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ II” năm 2019, với Dự án "Du lịch trải nghiệm Happy Farm” do Tôn làm trưởng nhóm.

Không dừng lại ở ý tưởng, Tôn cùng nhóm bạn đã quyết tâm hiện thực hóa từng nội dung dự án. Dự án Happy Farm được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng "Làng nông nghiệp công nghệ cao” xây dựng 1.500 m2 nhà kính, lắp đặt 150 trụ thủy canh, 100 trụ khí canh, sản xuất các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giai đoạn 2 là "Làng khoa học kỹ thuật công nghệ 4.0”, khách hàng của Happy Farm sẽ được thuê 1 phần diện tích đất để tự sản xuất hoặc thuê người chăm sóc, được tư vấn sử dụng phần mềm trồng rau ảo thu hoạch thật.

Để hiện thực hóa Dự án cần đến số vốn lên đến 3 tỷ đồng. Dù rất khó khăn, nhưng quyết tâm thực hiện Dự án, nhóm của Tôn đã tìm cách huy động bằng các nguồn vốn vay từ gia đình, ngân hàng chính sách, thanh niên lập nghiệp.

Thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2018 đến này, dự án của Tôn đang có những bước khởi động chắc chắn theo đúng lộ trình đã hoạch định. Theo chia sẻ của anh, sau 3 năm thực hiện, "Làng nông nghiệp công nghệ cao”, đã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích hơn 10ha, trong đó có hơn 1.500m2 nhà màng công nghệ cao.

"Đây là mô hình trồng rau công nghệ cao lớn nhất huyện Lương Sơn. Sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc, giá bán trên mạng internet. Doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động”, anh Tôn cho biết.

 Ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), anh Trần Đăng Hạnh lại quyết định phát triển kinh tế từ đặc sản gà của địa phương. Trước đây, khi xã chưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thì Phong Dụ là địa phương có mạng lưới giao thông đi lại khó khăn nhất trong huyện nên việc giao thương hạn chế. Đối với chăn nuôi gà, người dân trong xã thường nuôi  theo hướng tự phát, nghĩa là mạnh ai người đó làm nên có người làm ăn được, người thua lỗ.

Khi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phong Dụ, Hạnh  luôn mong muốn thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn, phát huy tinh thần không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm. Anh đã tiên phong xây dựng mô hình kinh tế cá nhân, mong muốn mình sẽ trở thành điển hình để các thanh niên khác nhìn vào cùng học làm theo.

Từ những khát vọng, mong muốn của Hạnh, năm 2018, anh được bầu làm Giám đốc HTX, đảm nhận nhiệm vụ triển khai các dự án chăn nuôi gà Tiên Yên do UBND giao. HTX do anh làm Giám đốc từng bước phát triển, có tổng đàn trên 80 nghìn con/năm, quản lý sản xuất trên 50 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi qui mô nhỏ 200 con/năm.

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế HTX đạt được, cá nhân Hạnh đang sở hữu mô hình chăn nuôi với quy mô 4 chuồng nuôi, mỗi chuồng nuôi rộng 120m2, mỗi năm xuất bán ra thị trường 4.000 gà thương phẩm. Doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 02 lao động thời vụ là thanh niên trên địa bàn.

Mô hình nuôi gà Tiên Yên của anh Trần Văn Hạnh, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.
Mô hình nuôi gà Tiên Yên của anh Trần Văn Hạnh, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Theo anh Bùi Quang Huy, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, nhận thức được vai trò đồng hành cùng thanh niên DTTS, những năm qua không chỉ có ở các chính quyền địa phương, mà cả hệ thống chính trị cũng đã chung tay triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm; hoạt động hỗ trợ thanh niên DTTS tham gia phát triển kinh tế…

Đối với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, đã xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp như, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên; hỗ trợ thanh niên xây dựng dự án…

Thông qua các chương trình, hoạt động, nhằm giúp cho thanh niên nâng cao khả năng khởi nghiệp thành công. Điển hình như trong năm 2020, các cấp Hội LHTN Việt Nam đã hỗ trợ gần 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên; xây dựng gần ba nghìn mô hình hỗ trợ thanh niên yếu thế...

Theo thống kê, hiện cả nước có 500 HTX thanh niên, gần 8.500 trang trại của thanh niên dưới 30 tuổi hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động là thanh niên trên toàn quốc. Trong đó, có hàng trăm mô hình đang là điểm sáng lan toả phong trào trong thanh niên DTTS và miền núi khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX thanh niên vẫn còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn,  cản trở các mô hình thanh niên khởi nghiệp phát triển bền vững...

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Krông Nô

Đổi thay ở Krông Nô

Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có 10/12 xã, thị trấn và 19/52 thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Sau gần 4 năm triển khai, nguồn lực từ Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao.