Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thắp lửa văn hóa, dựng bản du lịch ở vùng đồng bào DTTS Quảng Ninh

Mỹ Dung - 16:08, 07/05/2025

Là vùng đất giàu bản sắc với cộng đồng các DTTS cùng sinh sống, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đang đẩy mạnh bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, mô hình xây dựng bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn) và bản văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù (xã Húc Động) đang được đẩy mạnh triển khai khẩn trương, hướng tới gìn giữ di sản và nâng cao đời sống người dân vùng cao.

Nắm bắt nhu cầu sửa chữa nhà ở của người dân, tư vấn đảm bảo không gian sống phù hợp và giữ gìn bản sắc văn hóa
Chính quyền địa phương chú trọng tư vấn việc sửa chữa nhà ở của các hộ đảm bảo không gian sống phù hợp và giữ gìn bản sắc văn hóa

Giai đoạn 2023–2025, UBND huyện Bình Liêu đã phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 cho công tác quy hoạch xây dựng hai bản văn hóa trên. Đến nay, cả hai thôn Bản Cáu và Lục Ngù đều đã hoàn tất quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, hướng tới hình thành mô hình điểm về dân cư nông thôn kết hợp làng văn hóa – du lịch của người Tày.

Cùng với đó, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng được triển khai một cách hài hòa và đồng bộ. Chính quyền địa phương cùng với các cơ quan chuyên môn đã nỗ lực tuyên truyền và khuyến khích người dân cải thiện không gian sống, làm đẹp cảnh quan theo hướng xanh, sạch, đẹp. Những chương trình như "Ngày Chủ nhật xanh", phân loại rác tại nguồn và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong sinh hoạt, xây dựng đã được duy trì đều đặn, tạo nên những thay đổi rõ rệt trong cộng đồng.

Một điểm nhấn đáng chú ý là, việc phục hồi mô hình nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc. UBND xã Lục Hồn đã lựa chọn 5 hộ gia đình, xã Húc Động chọn 1 hộ có nhà cổ còn giữ nguyên kiến trúc truyền thống để bảo tồn và cải tạo thành điểm tham quan du lịch. Ngôi nhà này không chỉ giữ gìn nét văn hóa cổ xưa, mà còn trưng bày các dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt truyền thống, tái hiện sinh động đời sống của người Tày.

Ông Loan Thành Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, cho biết: Để thực hiện Đề án xây dựng bản văn hóa người Tày, xã đã tiến hành kiểm tra và đánh giá từng ngôi nhà cổ trên địa bàn. Đồng thời, xã đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu sửa chữa nhà ở của người dân, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để đưa ra tư vấn hợp lý, đảm bảo không gian sống phù hợp và giữ gìn bản sắc văn hóa, biến các ngôi nhà thành điểm tham quan, giới thiệu dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt truyền thống, tái hiện đời sống người Tày.

Bên cạnh công tác bảo tồn kiến trúc và cảnh quan, các xã còn duy trì các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống như hát then – đàn tính, hát soóng cọ, thường xuyên biểu diễn trong các sự kiện văn hóa địa phương. Đồng thời, huyện đang phối hợp xây dựng hồ sơ để đề nghị công nhận các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Then Tày, soóng cọ, Lễ mừng cơm mới, Lễ cấp sắc...

Năm 2024, Bình Liêu đã tổ chức thành công Ngày hội Di sản Then và Hội thảo về bảo tồn di sản diễn xướng Then trong phát triển du lịch cộng đồng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Các nghi lễ truyền thống như Lễ hội đình Lục Nà, Lễ mừng cơm mới, thờ thổ công, cầu may của người Tày, Sán Chỉ cũng được phục dựng sống động, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch văn hóa của huyện.

Một trong những hướng đi bền vững mà Bình Liêu đang thực hiện là khuyến khích người dân sử dụng tiếng mẹ đẻ, mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt thường ngày. Đây là yếu tố quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc và truyền đạt văn hóa cho thế hệ trẻ.

Huyện Bình Liêu tổ chức không gian trình diễn và giới thiệu văn hóa dân gian các dân tộc
Huyện Bình Liêu tổ chức không gian trình diễn và giới thiệu văn hóa dân gian các dân tộc

Trao đổi về nội dung này, ông Vi Ngọc Nhất, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bình Liêu cho biết: “Từ năm 2023 đến nay, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa tại các địa phương trên địa bàn huyện, đặc biệt tại 2 bản văn hóa này. Trên cơ sở phân bổ vốn của tỉnh và nguồn của địa phương ấy, trong năm 2025 sẽ triển khai những hạng mục đầu tiên”.

Với những nỗ lực bền bỉ, huyện Bình Liêu đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến du lịch cộng đồng độc đáo, gắn liền với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Những mô hình bản văn hóa đang được xây dựng tại thôn Bản Cáu và Lục Ngù không chỉ bảo tồn di sản mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng, tạo động lực cho việc gìn giữ những giá trị văn hóa vô giá. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận chi hơn 10 tỷ đồng bảo tồn Lễ hội Katê của đồng bào Chăm

Ninh Thuận chi hơn 10 tỷ đồng bảo tồn Lễ hội Katê của đồng bào Chăm

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 254/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025–2030”.