Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Thấy gì từ hệ thống các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú

PV - 09:37, 03/10/2018

Hệ thống các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú (TCNDTNT) trên cả nước có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, với những bất cập đang tồn tại, hoạt động của các trường TCNDTNT không chỉ làm lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến chiến lược dạy nghề cho lao động vùng DTTS và miền núi.

Bài 1: Nghịch lý

Ở một số địa phương, trường TCNDTNT được đầu tư rất hoành tráng nhưng lại vắng bóng học viên. Trong khi đó, ở địa phương khác, trường TCNDTNT lại “quá tải” vì cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học quá thiếu thốn, không đáp ứng được yêu cầu dạy-học.

Nơi thì “quá tải”...

Để tập trung đào tạo nghề cho con em đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh và khu vực trung du miền núi phía Bắc, năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ quyết định nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Thanh Sơn thành Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú -trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Năm học 2018-2019, trường tuyển 280 chỉ tiêu; trong đó có 140 chỉ tiêu hệ trung cấp (5 ngành nghề), 140 chỉ tiêu hệ sơ cấp (3 ngành nghề).

Ngoài ra, Trường cũng tìm hiểu thị trường lao động để mở thêm các lớp đào tạo nghề ngắn hạn khác cho lao động tại địa phương. Mới đây nhất (ngày 21/9/2018), Trường đã mở lớp sơ cấp trồng chè đầu tiên cho 33 học viên là hội viên Hội Nông dân xã Sơn Hùng (huyện Thanh Sơn).

Một lớp nghề may thời trang được mở tại Trường TCNDTNT tỉnh Yên Bái. (Ảnh tư liệu) Một lớp nghề may thời trang được mở tại Trường TCNDTNT tỉnh Yên Bái. (Ảnh tư liệu)

Mặc dù quy mô đào tạo hàng năm khá lớn nhưng cơ sở vật chất trường lớp của Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ lại quá thiếu thốn. Trường đã được quy hoạch trên diện tích 7,5ha tại khu Bình Dân, xã Thục Luyện (huyện Thanh Sơn) nhưng hiện chỉ mới được đầu tư một khu làm việc hai tầng dành cho cán bộ, giáo viên. Trường được ví von là ngôi trường “ba không”: Không có phòng học, không có nhà bán trú và không có xưởng thực hành.

Theo ông Nguyễn Minh Phương, Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua, trường phải sắp xếp một số phòng làm việc để làm phòng học cho học viên, hoặc bố trí một số lớp học ở hội trường. Còn để có xưởng thực hành, Trường làm tạm một vài phòng lợp tôn; nhà bán trú thì mượn khu làm việc được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện (trụ sở cũ).

Không riêng Trường TCNDTNT tỉnh Phú Thọ mà ở nhiều địa phương khác, cơ sở vật chất trường lớp của các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú cũng rất thiếu thốn; trong khi nhu cầu học nghề ngày càng cao đã dẫn tới tình trạng quá tải. Như Trường TCNDTNT Nghĩa Lộ (Yên Bái), mỗi năm Trường phải đảm nhận đào tạo hàng nghìn lượt học viên. Năm học 2017-2018, Trường có nhiệm vụ mở 86 lớp đào tạo nghề (trung và sơ cấp) cho 2.885 lượt học viên.

Tuy nhiên, Trường chỉ có 10 phòng học lý thuyết, 3 phòng học thực hành nghề may, 3 phòng thực hành nghề điện, 2 xưởng thực hành nghề hàn,.. trên tổng diện tích 1,1ha. Vì thế, các lớp học phải học đan xen, có lớp học thì phải có lớp nghỉ, thậm chí nhà trường phải bố trí học cả thứ Bảy và Chủ Nhật để đáp ứng được tiến độ. Về nội trú, bình quân mỗi phòng ở phải bố trí 15-20 học viên/phòng; nhà trường phải đưa cả nhà công vụ của giáo viên làm chỗ ở cho học viên nội trú.

Chỗ lại vắng học viên

Trong khi một số trường TCN DTNT thiếu thốn cơ sở vật chất trường lớp thì một số trường khác được đầu tư rất hoành tráng lại đào tạo cầm chừng. Thậm chí, có một số trường xây dựng xong cơ sở vật chất đồng bộ nhưng vắng học viên, trường lớp cho đơn vị khác thuê mượn hoặc bỏ không.

Năm 2008, Trường TCN DTNT tỉnh Nghệ An được thành lập, đặt tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ban đầu, Trường được đầu tư gần 60 tỷ đồng-chưa kể tiền giải phóng mặt bằng; trong đó, hơn 33 tỷ đồng dùng để mua sắm thiết bị. Năm 2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An tiếp tục chi hàng chục tỷ đồng để xây mới nhiều công trình khác cho nhà trường như tòa nhà đa năng, 2 nhà xưởng, nhà nội trú, thư viện…

Được đầu tư rất mạnh nhưng Trường TCNDTNT Nghệ An gần như chỉ thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn, được ngân sách đài thọ (mỗi năm được cấp 4 tỷ đồng chi thường xuyên). Như năm 2017, Trường mở được 37 lớp sơ cấp nghề cho 1.222 học viên; trong đó 31 lớp theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao (1.070 học viên), 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956.

Không có nhiều học viên theo các lớp nghề dài hạn (hệ trung cấp) nên nhiều công trình hạ tầng của Trường TCNDTNT Nghệ An không phát huy hết công năng; nhiều phòng học bỏ trống hoặc được cho các đơn vị khác thuê mượn. Năm học 2018-2019, Trường đã dành 12 phòng học để cho trường DTNT THCS huyện Con Cuông mượn.

Tình cảnh vắng bóng học viên cũng xảy ra ở nhiều trường TCNDTNT khác. Như ở Trường TCNDTNT tỉnh Thái Nguyên; theo Quyết định 2751/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên, trường được đầu tư 73,215 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường lớp. Nhưng đến nay, sau 8 năm hoạt động, Trường chỉ mở 6 khóa với 500 lượt học viên trung cấp, 1.800 lượt học viên sơ cấp và lao động nông thôn trên địa bàn. Vị chi, bình quân mỗi năm, Trường chỉ cho “ra lò” được 62,5 học viên hệ trung cấp, 225 học viên hệ sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng-một con số quá khiêm tốn so chỉ tiêu được UBND Thái Nguyên giao hằng năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân của tình trạng các trường TCNDTNT mỗi nơi “vướng” một kiểu là do ở khâu quy hoạch và phân bổ kinh phí đầu tư chưa phù hợp. Như ở Yên Bái, toàn tỉnh hiện chỉ có 24 cơ sở đào tạo nghề, nhưng việc bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho trường TCNDTNT tỉnh chưa được quan tâm. Năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư phát triển Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ với tổng kinh phí 26,4 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ mới thực hiện được 50% kế hoạch vốn đầu tư. Từ nhiều năm nay, dự án đầu tư, nâng cấp trường TCNDTNT tỉnh vẫn được nhắc đến trong nhiều quyết định của tỉnh, nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong khi đó, ở Nghệ An, toàn tỉnh hiện đã có 67 cơ sở đào tạo nghề nhưng vẫn mạnh tay đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho trường TCNDTNT tỉnh. Tuy không phải là “thừa giấy vẽ voi” nhưng sự lãng phí là có thực.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều trường TCNDTNT dù đã được đầu tư xây dựng khang trang nhưng không “hút” được học viên là do sự biến động trong chế độ, chính sách hỗ trợ học viên theo học. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc Bắc Kạn hỗ trợ điện thoại thông minh cho Người có uy tín

Ban Dân tộc Bắc Kạn hỗ trợ điện thoại thông minh cho Người có uy tín

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong quý I/2024, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành cấp 375 chiếc điện thoại thông minh cho 375 Người có uy tín thuộc 3 huyện Chợ Mới, Pác Nặm, Ba Bể.