Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Thấy gì từ mục tiêu phát triển dân số các dân tộc rất ít người Bài 2: Nhiều rào cản trong gia tăng dân số

PV - 11:25, 01/06/2018

Ở số báo 1417, ra ngày 30/5, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh thực trạng đáng quan ngại về chất lượng dân số của đồng bào các dân tộc rất ít người.

Trong khi đó, do kinh tế khó khăn nên đồng bào các dân tộc rất ít người không muốn sinh nhiều con, cùng với đó, điều kiện sống không bảo đảm đã làm ảnh hưởng đến việc gia tăng dân số ở cộng đồng các dân tộc rất ít người.

Được đẻ thêm cũng chỉ sinh 2 con

Lấy chồng hơn 10 năm, chị Giàng Cổ Phượng, dân tộc Si La, ở bản Seo Hai, xã Kan Hồ (Mường Tè, Lai Châu) có hai đứa con trai. Hằng ngày, mỗi lần chải tóc, chị gom lại những sợi tóc rụng của mình. Chị bảo, theo phong tục của người Si La, khi con trai lấy vợ, mẹ chồng sẽ tặng cho con dâu một búi tóc để con dâu vấn khăn đội trên đầu, như một tình thương yêu, báo hiếu.

Chị Phượng cho biết thêm, nhiều lần cán bộ xã cũng tuyên truyền nên sinh thêm con. “Cán bộ bảo, người Si La mình ít quá, đẻ cho thêm dân số. Nhưng nhà còn nghèo nên mình không muốn, tập trung lo cho hai đứa đã”.

Theo thống kê số trường hợp sinh con thứ ba trở lên ở các dân tộc rất ít người là rất hiếm. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Brâu sinh sống chủ yếu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh Tư liệu Theo thống kê số trường hợp sinh con thứ ba trở lên ở các dân tộc rất ít người là rất hiếm. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Brâu sinh sống chủ yếu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh Tư liệu

 

Không chỉ riêng gia đình chị Phượng mà hầu hết các hộ đồng bào Si La ở Seo Hai cũng chủ trương “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Thế nên, cả bản có khoảng 60 hộ nhưng chỉ có xấp xỉ 250 nhân khẩu đồng bào dân tộc Si La. Vị chi, bình quân mỗi hộ chỉ khoảng 4 nhân khẩu.

Theo cái lý của người Si La, đẻ ít để lo cho con cái học hành. Từ nhận thức rất tiến bộ này mà ở Seo Hai, hầu hết con em đều học hết cấp II, tỷ lệ bỏ học sớm rất thấp. Đặc biệt, tỷ lệ con em người Si La học lên trung cấp, cao đẳng, đại học rất cao, số người tham gia công tác chính quyền nhiều. Ngay tại UBND xã Kan Hồ hiện có 7/23 cán bộ xã là người dân tộc Si La.

Cũng như bản Seo Hai, đồng bào dân tộc Si La sinh sống ở bản Sì Thâu Chải, xã Kan Hồ và ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải (Mường Nhé, Điện Biên) đều không muốn sinh nhiều con. Như ở bản Nậm Sin, có 44 hộ thì cũng chỉ có 211 nhân khẩu; bình quân mỗi hộ chưa đầy 5 nhân khẩu.

Không riêng gì đồng bào dân tộc Si La mà ở cộng đồng 4 dân tộc rất ít người khác (Ơ-đu, Rơ Măm, Pu Péo, Brâu) cũng rất ít trường hợp gia đình sinh con thứ ba trở lên. Dù rằng, các dân tộc rất ít người được khuyến khích sinh đẻ thêm để phát triển dân số.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS, khảo sát nhóm đối tượng là phụ nữ độ tuổi từ 15-49 đã kết hôn thì dân tộc Si La có 124 phụ nữ, chỉ 3 người sinh con thứ ba trở lên; dân tộc Rơ Măm có 99 phụ nữ thì chỉ 4 người sinh con thứ ba trở lên; dân tộc Brâu có 108 phụ nữ thì chỉ có 1 người sinh con thứ ba trở lên. Riêng dân tộc Ơ-đu (có 75 phụ nữ) và dân tộc Pu Péo (có 104 phụ nữ) thì không có người nào sinh con thứ ba trở lên.

Từ thực tế trên cho thấy, tâm lý không muốn sinh con thứ ba trở lên của đồng bào các dân tộc rất ít người là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, do dân số quá ít, nếu đồng bào các dân tộc rất ít người cứ tiếp tục sinh đẻ có kế hoạch như lâu nay thì mục tiêu gia tăng dân số là gần như không thể thực hiện.

Thiếu nhiều điều kiện sống cơ bản

Việc không sinh nhiều con, theo cái lý của chị Giàng Cổ Phượng ở bản Seo Hai, xã Kan Hồ là do nhà còn nghèo. Đây là một thực tế không chỉ của gia đình chị Phượng, của cộng đồng dân tộc Si La mà là chung ở cộng đồng 5 dân tộc rất ít người. Dù đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng 5 dân tộc rất ít người nhưng nhìn chung đời sống của đồng bào vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS, trong 5 dân tộc rất ít người thì chỉ có dân tộc Pu Péo và Brâu là có thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1,2 triệu đồng/người/tháng; còn dân tộc Ơ-đu chỉ đạt hơn 566 nghìn đồng/người/tháng; dân tộc Rơ Măm đạt gần 774 nghìn đồng/người/tháng; dân tộc Si La đạt xấp xỉ 1,1 triệu đồng/người/tháng.

baodantoc_dtts

Thu nhập quá thấp dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo ở cộng đồng các dân tộc rất ít người rất cao. Như bản Nậm Sin, xã Chung Chải, có 44 hộ dân tộc Si La thì có 42 hộ nghèo theo diện nghèo đa chiều. Cả bản có có 42 con trâu, bò, bình quân 1 hộ/con; nhiều hộ không có lợn, gà.

Không chỉ kinh tế còn quá khó khăn mà đời sống của đồng bào các dân tộc rất ít người vẫn còn thiếu rất nhiều điều kiện sống cơ bản. Đặc biệt, các chỉ số như vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe,… ở vùng các dân tộc rất ít người đều rất thấp.

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ gia đình có sử dụng hố xí hợp vệ sinh ở cộng đồng dân tộc Si La chỉ đạt 23,6% tổng số hộ; tỷ lệ này ở cộng đồng dân tộc Pu Péo là 26,9%, dân tộc Rơ Măm là 19,5%, dân tộc Brâu là 8,2%. Riêng dân tộc Ơ-đu tỷ lệ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh là 0%.

Có một vấn đề đáng lo ngại ở một số bản làng dân tộc rất ít người là tình trạng nghiện ma túy. Điều này không chỉ làm cho công cuộc xóa đói giảm nghèo gặp nhiều khó khăn mà còn làm suy giảm chất lượng dân số. Thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc để hạn chế tình trạng nghiện ma túy ở các bản làng có dân tộc rất ít người; tuy nhiên đây vẫn là một vấn đề nhức nhối.

Như ở Nậm Sin, theo thống kê, năm 2010 toàn bản có 35 người nghiệm ma túy. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, số người nghiện đã giảm hẳn, nhưng hiện vẫn còn hơn 10 người chưa thoát khỏi vòng kìm hãm của “nàng tiên nâu”.

Những vấn đề nêu trên là thách thức trong phát triển dân số ở đồng bào các dân tộc rất ít người. Dân số không tăng cũng sẽ là rào cản trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như phát triển toàn diện vùng đồng bào các dân tộc rất ít người.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 60% dân số là đồng bào DTTS; thời gian qua nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.