Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Thầy giáo trẻ đam mê văn hóa Thái

PV - 11:07, 13/08/2019

Dù không phải là người con của đồng bào dân tộc Thái, nhưng với niềm đam mê văn hóa dân tộc, chàng trai trẻ Lê Thanh Tùng, sinh năm 1988, ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn giữ gìn văn hóa Thái.

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục thể chất, chuyên ngành Bóng rổ Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Thế nhưng anh Lê Thanh Tùng ở tổ 10, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lại có một tình yêu đặc biệt với văn hóa Thái.

Anh chia sẻ rằng, dù không phải là người

dân tộc Thái nhưng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của người Thái Mường Lò–Nghĩa Lộ, nên ngay từ khi còn nhỏ, tiếng nói, chữ viết cùng những phong tục tập quán, những lễ hội đặc sắc của người Thái đã dần thẩm thấu vào tâm hồn, lớn dần lên trong anh ngày càng mãnh liệt.

Lê Thanh Tùng (người thứ hai từ phải qua trái) và nghệ nhân Lò Văn Biến cùng học trò của anh. Lê Thanh Tùng (người thứ hai từ phải qua trái) và nghệ nhân Lò Văn Biến cùng học trò của anh.

“Cháy bỏng niềm đam mê tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái. Do vậy, ngay cả khi còn là sinh viên hay khi đã là giáo viên dạy môn thể chất của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lý Tự Trọng, tôi vẫn luôn dành thời gian để tìm hiểu, sưu tầm các bài hát, các câu đố đồng dao, các luật tục trong văn hóa dân tộc Thái. Năm 2010, tôi được giới thiệu và tham gia vào Hội Bảo tồn tri thức dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái trực thuộc mạng lưới bảo tồn tri thức dân tộc Thái Việt Nam. Nhờ vậy, mà tôi có cơ hội được tham gia các lớp tập huấn, các lớp đào tạo nâng cao tri thức về dân tộc Thái”, anh Tùng cho biết.

Đặc biệt, để góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, anh Lê Thanh Tùng còn trực tiếp xuống nhà nghệ nhân Lò Văn Biến, ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, một trong những nghệ nhân gạo cội, có sự am hiểu sâu sắc về về văn hóa dân tộc Thái để xin học chữ Thái cổ.

Anh Tùng bảo: Việc học chữ Thái không khó, chỉ 3 tháng là có thể đọc, ghép vần, hiểu nghĩa; một năm có thể đọc thông viết thạo, nhưng đòi hỏi người học phải thật sự kiên trì, say mê, tâm huyết theo đuổi.

Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về văn hóa Thái, anh Tùng còn mở lớp dạy chữ Thái cổ miễn phí ở trường vào năm 2015. Tại đây, anh tích cực khuyến khích các em học sinh trong trường, người yêu thích văn hóa Thái trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đến học. Từ 10 học viên trong những ngày đầu, đến nay anh Tùng đã truyền dạy, hướng dẫn được cho khoảng trên 100 học viên.

Đặc biệt, ngoài việc mở lớp dạy chữ Thái cổ, anh Tùng còn tích cực sưu tầm các bài hát, các câu đố đồng dao, nhạc cụ truyền thống, đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Thái như: trang phục thổ cẩm, hòm, rổ, nón,… Đến nay, anh đã sưu tầm được trên dưới 20 nhạc cụ truyền thống, 100 bài hát, câu đố đồng dao và hơn 100 loại đồ dùng, sinh hoạt.

Bên cạnh đó, bản thân anh Tùng còn tự tìm tòi và học cách chơi, cách làm các loại nhạc cụ dân tộc Thái từ các nghệ nhân, già làng trên địa bàn. Hiện anh đã sử dụng thành thạo nhac cụ: Pí Tam Tặn, Pí Pặp và nhiều loại nhạc cụ khác.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới của mình, anh Lê Thanh Tùng cho biết, anh sẽ tiếp tục tìm hiểu về văn hóa dân tộc Thái, duy trì lớp học dạy chữ Thái cổ, đặc biệt là sẽ tăng cường tham gia các lớp đào tạo nâng cao tri thức về dân tộc Thái để về truyền dạy, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại địa phương.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

“Mệ chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục se hương bán cho khách, nối tiếp nghề cha ông; ngày ngày gặp gỡ nói chuyện với bọn trẻ, cuối tháng dư ra năm mười triệu đem vô viện tặng mấy cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo!”... Đó là tâm sự của mệ Tuyết, một người phụ nữ khắc khổ, nhưng giàu lòng nhân ái mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tìm kiếm những sự tử tế trong cuộc sống bon chen.