Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 22/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 99.778.463 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 21.345.013 ca bệnh đang điều trị thì có 21.254.825 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 90.188 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 37.574.111 trường hợp, trong đó có 877.864 ca tử vong và 26.566.965 ca được điều trị khỏi. Dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục lây lan trong bối cảnh chương trình tiêm chủng của các nước đang “gặp khó” do sự thiếu hụt nguồn cung vaccine COVID-19.
Tại châu Âu, Anh ngày 21/3 cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm xuất khẩu vaccine COVID-19 của AstraZeneca nếu khối này không nhận đủ lượng cung cấp đã cam kết, cho rằng động thái như vậy của EU sẽ "phản tác dụng". Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định "thế giới đang theo dõi" cách EU phản ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine từ hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển, và rằng danh tiếng của liên minh này đang bị ảnh hưởng. Bình luận của ông được đưa ra 1 ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một lần nữa cảnh báo sẽ đưa ra lệnh cấm trừ phi AstraZeneca cung cấp hơn 90 triệu liều vaccine đã cam kết trong quý I/2021.
Hiện Bắc Mỹ có 35.098.361 ca nhiễm bệnh, trong đó có 803.664 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 30.521.765 ca nhiễm và 555.314 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.193.639 ca nhiễm và 197.827 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 933.785 ca nhiễm và 22.676 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 22/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 26.967.122 trường hợp, với 416.468 ca tử vong và 25.082.769 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.467.885 ca bệnh đang điều trị thì có 24.301 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 11.645.719 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 3.013.122 ca.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan ngày 21/3 cho biết quốc gia Nam Á này đã tiêm gần 45 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân trong nước, đồng thời cung cấp hơn 60 triệu liều cho 76 quốc gia trên thế giới. Như vậy, Ấn Độ đến nay mới chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 3,3% dân số. Với tốc độ này, Ấn Độ sẽ phải mất nhiều năm để tiêm đủ 2 liều cho khoảng 70% dân số nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Hiện Nam Mỹ ghi nhận 20.018.149 ca nhiễm và 518.159 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 11.998.233; 2.337.150; 2.245.771; 1.466.326… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 22/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.138.592 trường hợp, trong đó có 110.143 ca tử vong và 3.697.455 ca bình phục. Trong tổng số 330.994 ca đang điều trị thì có 2.578 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.537.852 ca nhiễm COVID-19 và 51.111 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 18 ca nhiễm COVID-19, trong đó 9 ca ở Australia, 9 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 53.848 ca nhiễm và 1.115 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.205 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.576 ca./.