Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thế giới có gần 314 triệu ca nhiễm COVID-19

PV - 11:15, 12/01/2022

Tính đến sáng 12/1, thế giới ghi nhận 313.800.684 trường hợp mắc COVID-19, với 5.520.552 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trên thế giới vẫn ở mức cao kỷ lục (2.662.056 ca), cùng với sự gia tăng các ca nhiễm ở hầu hết các khu vực.

Người dân đeo khẩu trang tại một trạm dừng xe điện ở Budapest, Hungary, ngày 11/1/2022. (Ảnh: Xinhua)
Người dân đeo khẩu trang tại một trạm dừng xe điện ở Budapest, Hungary, ngày 11/1/2022. (Ảnh: Xinhua)

Trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu “tăng tốc” tại nhiều nước trên thế giới, ngày 11/1, các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay sẽ cần được nâng cấp để đảm bảo phòng chống được những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron.

Trong một tuyên bố, Nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO về thành phần vaccine ngừa COVID-19, cho biết các thành phần trong các loại vaccine hiện nay sẽ cần được cải tiến nhằm để đảm bảo rằng các vaccine này tiếp tục tạo ra sự bảo vệ (theo như mức khuyến nghị của WHO) trước sự lây nhiễm và mắc bệnh do các biến thể, trong đó có Omicron và các biến thể khác có thể xuất hiện trong tương lai.

Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 12/1 cho thấy, hiện toàn thế giới có 261.611.819 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 46.668.313 ca bệnh đang điều trị thì có 46.572.977 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 95.336 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 98.575.981 trường hợp, trong đó có 1.557.870 ca tử vong và 78.825.049 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 1.218.355 và 3.782 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.

Ngày 11/1, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, cảnh báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay. 

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 12/1, hiện 59,2% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 9,49 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 35,22 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 8,9%.

Dựa trên những dữ liệu thu thập trong vài tuần vừa qua, ông Kluge cũng cho biết biến thể Omicron được xác nhận là có khả năng lây nhiễm cao hơn và có những đột biến giúp bám dính vào tế bào người dễ dàng hơn. Những người đã tiêm phòng hoặc đã từng nhiễm bệnh cũng vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, quan chức WHO nhấn mạnh các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng đều có hiệu quả bảo vệ tốt trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong, kể cả khi nhiễm biến thể Omicron. Quan chức của WHO cũng cảnh báo không nên coi COVID-19 như các bệnh đặc hữu đồng thời khẳng định tình trạng lây lan biến thể Omicron vẫn chưa đến giai đoạn ổn định

Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 12/1 lên tới 74.353.437 trường hợp, trong đó có 1.264.180 ca tử vong.

Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 63.259.342 ca nhiễm và 863.720 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 575.526 ca.

Tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng . Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron đang khiến một số nước tính đến việc áp dụng những biện pháp “mạnh tay” để phòng chống dịch.

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 87.678.817 trường hợp, với 1.265.845 ca tử vong và 83.135.414 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 411.303 ca nhiễm mới.

Ngày 11/1, Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia cho biết đã ghi nhận 802 ca mắc mới COVID-19 và 4.267.451 ca kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020. Đáng chú ý, số ca mắc mới trong ngày 11/1 đã tăng hơn 70% so với mức 454 ca được công bố một ngày trước đó, chủ yếu do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Bộ Y tế Indonesia dự báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba tại nước này sẽ đạt đỉnh vào đầu hoặc giữa tháng 2 tới.

Tính đến sáng 12/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 10.295.800 trường hợp, trong đó có 232.644 ca tử vong và 9.069.983 ca bình phục. Trong tổng số 993.173 ca đang điều trị thì có 2.640 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.534.131 ca nhiễm COVID-19 và 92.649 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 90.956 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 90.847 ca. Hiện khu vực này có tổng số 1.310.212 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.697 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 1.140.897 ca, tiếp theo sau là Fiji với 57.849 ca./.