Trong bối cảnh dịch bệnh tại nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể phụ BA.2 của Omicron hay còn gọi là Omicron tàng hình chiếm đến hơn 80% số ca mắc trên toàn cầu và là nguyên nhân gây nên làm sóng lây nhiễm hiện nay ở châu Âu. Dù dễ lây lan hơn chủng gốc, song Omicron tàng hình lại không gây ra bệnh nặng và những loại vaccine hiện có vẫn có thể chống lại biến thể này một cách hiệu quả.
Hiệu quả của vaccine trong việc phòng ngừa và hạn chế các ca tử vong, chuyển nặng do COVID-19 tiếp tục được chứng minh khi vào cuối tuần trước, hai tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel là tập đoàn bảo hiểm y tế Clalit và tập đoàn bảo hiểm y tế Maccabi công bố các kết quả nghiên cứu riêng rẽ cho thấy, mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 ngoài giảm nguy cơ lây nhiễm có thể giúp giảm hơn 70% nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 28/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 416.174.801 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 59.534.106 ca bệnh đang điều trị thì có 59.475.366 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 58.740 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Còn xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 175.605.891 trường hợp, trong đó có 1.764.530 ca tử vong và 154.462.169 ca được điều trị khỏi.
Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 28/3 là 96.352.874 trường hợp, trong đó có 1.438.242 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 81.621.353 ca nhiễm và 1.003.442 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 137.083.503 trường hợp, với 1.397.680 ca tử vong và 117.638.041 ca điều trị khỏi. Song song việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiếp tục theo đuổi chủ trương mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng.
Do tỷ lệ ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 có dấu hiệu giảm mạnh, chính phủ Myanmar đã quyết định nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế và mở cửa trở lại các rạp chiếu phim từ ngày 17/4 tới đây. Bộ Y tế Myanmar, cuối tuần trước công bố số liệu thống kê cho thấy đã có hơn 21,8 triệu người dân nước này được chủng ngừa đầy đủ.
Trong 24 giờ qua, châu Phi có thêm 1.277 ca nhiễm mới và 9 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 28/3 lần lượt là 11.691.408 và 252.439 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.713.252 ca nhiễm COVID-19 và 99.966 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, WHO đã kêu gọi các nước châu Phi không chủ quan trước dịch bệnh sau khi nhiều nước trong khu vực đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các nước nên xem xét giảm bớt các biện pháp phòng ngừa một cách thận trọng. Việc gỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng không có nghĩa là không cần cảnh giác với dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 57.221 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 46.502 ca. Hiện khu vực này có tổng số 5.143.474 trường hợp ca mắc COVID-19, với 8.703 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 4.279.363 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 597.745 ca.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Australia, ông Ian Barr - Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác nghiên cứu về bệnh cúm thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm tại Australia sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của mùa cúm 2022 sẽ không nghiêm trọng như hai năm 2017 hay 2019, mà chỉ ở mức độ thấp đến vừa phải.
HIện nhiều chuyên gia cũng cho rằng khả năng miễn dịch tự nhiên của người dân Australia đối với cúm mùa có thể đã suy giảm trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành. Dự kiến vào ngày 4/4, Australia sẽ triển khai chương trình tiêm phòng cúm quốc gia và nước này đã hối thúc người dân đi tiêm chủng để phòng ngừa nguy cơ, bảo vệ hệ thống y tế đất nước khi cùng lúc phải ứng phó với 2 dịch bệnh./.