Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thế giới ghi nhận hơn 800 nghìn ca mắc Covid-19 trong một ngày

PV - 12:38, 15/04/2021

Theo số liệu cập nhật của Worldometers, tính đến 8 giờ sáng, ngày 15-4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận thêm 803.184 ca mắc và 13.513 ca tử vong do Covid-19 trong một ngày qua. Đây là lần thứ tư kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, thế giới ghi nhận số ca mắc Covid-19 theo ngày ở mức hơn 800 nghìn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Kỷ lục về số ca mắc mới COVID-19 theo ngày của thế giới được ghi nhận vào ngày 8-1 với 845.412 ca. Hai ngày trước đó là 6-1 và 7-1, thế giới ghi nhận lần lượt 810.365 và 844.539 ca.

Tính đến 8 giờ sáng, ngày 15-4 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 138.820.156 ca mắc và 2.984.901 ca tử vong do COVID-19.

Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, Ấn Độ liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức cao và tăng mạnh theo ngày, với gần 199.569 ca mắc mới trong ngày hôm qua.

Theo sau Ấn Độ về số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày qua là Mỹ (78.439 ca), Brazil (75.998 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (62.797 ca), Pháp (43.505 ca), Đức (32.546 ca), Iran (25.582 ca), Argentina (25.157 ca), Ba Lan (21.283 ca),….

Về số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày qua, Brazil dẫn đầu thế giới với 3.462 ca, theo sau nước này là Ấn Độ (1.037 ca), Mỹ (915 ca), Ba Lan (803 ca),…

Cũng theo số liệu của của Worldometers, tính đến 8 giờ sáng, ngày 15-4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca bệnh COVID-19 trên thế giới được điều trị khỏi là 111.605.197 ca; số ca bệnh đang được điều trị là 24.230.058, trong đó có 106.516 ca đang trong điều trị nghiêm trọng hoặc nguy kịch.

Tại châu Âu, ngoài Pháp, Đức và Ba Lan dẫn đầu khu vực về số ca mắc theo ngày. Các nước khác như Italy, Tây Ban Nha, Ukraine chứng kiến số ca mắc mới vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Tại châu Á, Campuchia quyết định phong tỏa Thủ đô Phnom Penh lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối năm ngoái. Theo thông báo từ chính phủ, khu vực thủ đô cùng thành phố lân cận Takmao sẽ bị phong tỏa trong 14 ngày kể từ ngày 15-4. Thông báo nêu rõ các hoạt động đi lại không thiết yếu sẽ bị hạn chế.

Bộ Y tế Campuchia thông báo ngày 14-4 nước này ghi nhận 178 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ, trong đó riêng tại Thủ đô Phnom Penh ghi nhận 149 ca.

Bộ Y tế Philippines (DOH), ngày 14-4, thông báo, nước này ghi nhận thêm 8.122 ca mắc và 162 ca tử vong do COVID-19 so với một ngày trước đó. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire nhận định, tốc độ lây lan dịch bệnh tại nước này vẫn chưa giảm, số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng. Theo quan chức này, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn xảy ra, các ổ dịch tại công sở đang là nguồn lây lan chính, chủ yếu là ở các bệnh viện và những không gian làm việc khép kín.

Thái Lan đang cân nhắc áp đặt các biện pháp mới nhằm đối phó với việc số lượng các ca nhiễm COVID-19 mới đang gia tăng. Ngày 14-4, nước này đã ghi nhận thêm 1.335 ca COVID-19 mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở nước này đầu năm ngoái.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết, Tunisia và Ethiopia là hai quốc gia trong khu vực đang có số ca nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh. Trong một ngày qua, Tunisia đã ghi nhận 2.123 ca mắc và 84 ca tử vong, Ethiopia cũng ghi nhận thêm 1.893 ca mắc mới và 22 ca tử vong COVID-19.

Dịch bệnh khả quan hơn ở vài nơi là cơ sở để một số quốc gia quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế. Chính phủ Thụy Sĩ ngày 14-4 đã quyết định cho phép nhà hàng và quán bar khai thác bàn ngoài trời trở lại kể từ ngày 19-4 tới, sau khi đóng cửa tạm thời bốn tháng. Tuy nhiên, các quy tắc làm việc tại nhà sẽ vẫn được áp dụng trong thời gian này và việc nới lỏng không được xem là tín hiệu cho thấy đại dịch đã kết thúc.

Ngoài ra, các sự kiện văn hóa và thể thao cũng sẽ mở cửa cho công chúng tham gia trong một số điều kiện nhất định.

Tại Bỉ, kể từ ngày 8-5 tới, Bỉ sẽ cho phép các dịch vụ có tiếp xúc nhưng không mang tính y tế được hoạt động trở lại cùng với việc mở cửa cho lĩnh vực du lịch không thiết yếu từ ngày 19-4. Đây cũng là thời điểm cho phép 100% học sinh bậc mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đặc biệt, các trường vừa học vừa làm trở lại trường học. Tỷ lệ học trực tiếp tại trường đối với học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông là 50%. Đối với bậc đại học, việc có mặt trực tiếp của sinh viên chỉ áp dụng một ngày/tuần trong khuôn viên của trường.

Các nhà hàng, quán bar được đón khách trở lại kể từ ngày 8-5 nhưng chỉ phục vụ ở bên ngoài. Các sự kiện tổ chức ngoài trời như tiệc, hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động giải trí, sẽ được tập trung tối đa 50 khách. Chợ trời cũng sẽ được mở cửa trở lại.

Các cửa hàng không thiết yếu sẽ hoạt động bình thường kể từ ngày 26-4. Tuy nhiên, mỗi khách hàng chỉ được đi mua sắm cùng một thành viên trong gia đình. Các ngành nghề có tiếp xúc trực tiếp như cắt tóc, làm đẹp… đều được mở cửa phục vụ khách hàng từ ngày 26-4.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ, sáng 15-4 (giờ Việt Nam).

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới:

  1. Mỹ: 32.149.223 ca mắc, 578.092 ca tử vong
  2. Ấn Độ: 14.070.890 ca mắc, 173.152 ca tử vong
  3. Brazil: 13.677.564 ca mắc, 362.180 ca tử vong
  4. Pháp: 5.149.834 ca mắc, 99.777 ca tử vong
  5. Nga: 4.666.209 ca mắc, 104.000 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại các khu vực trên thế giới:

  1. Châu Âu: 42.159.336 ca mắc, 962.638 ca tử vong
  2. Bắc Mỹ: 37.087.221 ca mắc, 841.390 tử vong
  3. Châu Á: 32.217.054 ca mắc, 455.815 ca tử vong
  4. Nam Mỹ: 22.874.206 ca mắc, 606.838 ca tử vong
  5. Châu Phi: 4.421.267 ca mắc, 117.050 ca tử vong
  6. Châu Đại Dương: 60.351 ca mắc, 1.155 ca tử vong