Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Thi cử - Góc nhìn từ điểm số

Kẻ Sĩ - 08:24, 11/05/2022

Thời gian gần đây, các sĩ tử thi vào lớp 10, đại học cùng cả gia đình bắt đầu lên dây cót cho hành trình “vượt vũ môn”. Một trong những vấn đề chưa bao giờ hết nóng trong chuyện thi cử hiện nay, đó chính là điểm chuẩn, điểm đầu vào, rộng hơn là chuyện điểm số trong học tập.

Vào trường đại học mới chỉ là bước chân vào cuộc"chiến đấu" mới
Vào trường đại học mới chỉ là bước chân vào cuộc"chiến đấu" mới

Một trong những điều chúng ta dễ dàng nhận thấy trong những năm gần đây là điểm chuẩn, điểm đầu vào lớp 10, vào đại học đều rất cao, nếu như không muốn nói là cao một cách bất thường.

Nếu chỉ nhìn vào điểm số, hẳn chúng ta thấy rằng phải chăng nền giáo dục đã phát triển ở một giai đoạn đỉnh cao, bởi những điểm dùng để chấm cho học sinh hiện nay dường như chỉ có 8, 9, 10.

Thế nhưng xin hãy bình tâm, thẳng thắn nhìn nhận điểm chuẩn nói riêng và điểm số đi học nói chung thực chất là cái gì? Điểm số là phương tiện hay mục đích của nền giáo dục?

Đã từng là học sinh, từng đi thi PTTH rồi thi đại học, tôi khi ấy từng nghĩ điểm số đương nhiên là mục đích. Các thầy cô của tôi, bố mẹ tôi chắc cũng không ngoài suy nghĩ này. Và nghĩ như vậy, đến đây là hết. Vì khi đạt điểm cao là đạt được mục đích. Vậy người ta sẽ làm gì ở vạch đích, ngoài chuyện nhận giải và ăn mừng...

Sẽ ra sao khi những sĩ tử đỗ đại học ngày ngày ăn mừng và rồi ngủ quên trên chiến thắng và ai cũng nghĩ học tập, làm việc là việc của ai đó (trừ mình ra).

Vậy nếu không phải là mục đích thì điểm số là gì?

Tôi nghĩ nó chỉ là phương tiện mà thôi. Phương tiện ấy đưa chúng ta đến cổng trường PTTH, cổng trường đại học giống như chúng ta đi một phương tiện nào đó đến cổng trường. Ví dụ như đi xe ôm công nghệ chẳng hạn. Ta trả tiền cho họ. Ta và họ hoàn thành một giao dịch dân sự. Còn làm gì ở đó và sau đó là việc của các tân học sinh, tân sinh viên?

Lại xét ở góc độ phương tiện. Thiết nghĩ việc chủ yếu là bảo đảm an toàn giao thông. Điểm cao giống như phương tiện hiện đại nó đòi hỏi anh/chị phải có đủ kỹ năng, thể hình, sức khỏe để lái nó. Và ngược lại.

Hãy cứ tượng một đứa trẻ 7 tuổi mà lái xe ô tô thì nguy hiểm như thế nào?

Xin hãy trao cho chúng những phương tiện vừa đúng sức thôi. Vì sau khi qua được cổng trường, các bạn còn nhiều việc phải làm. Đó là việc nỗ lực học tập, nghiên cứu tư liệu và sáng tạo không ngừng. Vào một trường PTTH tốt, hay một trường đại học danh tiếng, sẽ là một môi trường tốt. Nhưng cái tốt ở đây không chỉ dừng lại là vào được trường. Xin hãy xác định tư tưởng, bước chân vào trường cấp 3, vào trường đại học mới chỉ bắt đầu một “cuộc chiến đấu mới”.

Mong rằng, giáo dục nước nhà cần nhìn nhận lại chính mình. Nhà trường cần phải để các em học sinh thấy rằng, điểm số không phải mục đích của việc đi học, mà chỉ đơn thuần là phương tiện mà thôi.

Vì lẽ đó, xin đừng giao phương tiện quá sức cho các em học sinh. Thay vào đó, thầy cô cần dạy các em đủ kỹ năng, “tâm” năng trong một nền giáo dục minh bạch.