Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Kịch bản linh hoạt cho một mùa thi an toàn

Hồng Phúc - 19:18, 06/07/2021

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngành Giáo dục và các địa phương đã xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, đảm bảo an toàn trường thi - an toàn phòng dịch.


Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 22 thí sinh diện F2 và 12 thí sinh trong vùng phong tỏa
Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 22 thí sinh diện F2 và 12 thí sinh trong vùng phong tỏa

Tạo điều kiện cho thí sinh trong mùa dịch

Ngày 6/7, hơn 1 triệu sĩ tử làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến 16 giờ 30 phút ngày 5/7, tổng số thí sinh dự kiến sẽ không thể dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 1 vào 7/7 và phải lùi sang đợt 2 do ảnh hưởng bởi Covid-19 là 11.551 thí sinh.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021 được chia làm 2 đợt. Đợt 1 tổ chức vào ngày 6 - 8/7 cho những thí sinh không thuộc diện F, ở nơi không chịu ảnh hưởng của dịch. Còn đợt 2 sẽ tổ chức sau, thời gian được Bộ GD&ĐT công bố căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên cả nước.

Đến hiện tại, 3 địa phương đã quyết định cho học sinh thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 đợt 2 là TP. Sa Đéc, huyện Châu Thành, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp); TX. Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định); huyện An Phú, TP. Châu Đốc, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang).

Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã có quy định một số điểm mới đối với thí sinh trong kỳ thi, như  thí sinh có thể chuyển địa điểm thi tốt nghiệp THPT sang tỉnh khác. Bộ đề nghị các sở GD&ĐT xem xét việc tiếp nhận các thí sinh chuyển đến từ Hội đồng thi khác nếu đáp ứng các điều kiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, để triển khai kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; xây dựng, công bố đề thi tham khảo.

Năm nay, kỳ thi vẫn diễn ra 5 bài thi như những kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trước. Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học) đối với chương trình giáo dục THPT. Còn với giáo dục thường xuyên, riêng tổ hợp Khoa học xã hội, thí sinh chỉ thi hai môn là Lịch sử và Địa lý, không phải thi môn Giáo dục công dân.

Nội dung các đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Nội dung kiến thức được giảm tải, không được đưa vào đề thi tham khảo năm nay do tác động của dịch Covid-19 trong 2 năm học. Tinh thần và định hướng này tiếp tục được thể hiện trong đề thi chính thức của hai đợt thi tới đây.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho giám thị và thí sinh trước khi bước vào kỳ thi
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho giám thị và thí sinh trước khi bước vào kỳ thi

Đảm bảo kỳ thi an toàn trong mùa dịch

Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn. Nếu năm 2020 dịch bệnh chỉ xuất hiện ở một số địa phương, thì năm nay đến thời điểm này, theo thống kê đã có hơn 50 tỉnh/thành phố trong cả nước có trường hợp nhiễm bệnh. 

Vì thế, ngành giáo dục đối mặt với khó khăn lớn nhất là,  phải làm sao vừa ứng phó được với dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ giáo viên, vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các bộ, ngành, cơ quan đề nghị, phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2021, hướng tới việc tổ chức an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Đến nay, hầu hết các tỉnh/thành phố đều ban hành Chỉ thị về việc tổ chức kỳ thi, thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm Trưởng ban. 

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Sơn La năm 2021 kiểm tra phòng bảo quản đề thi tại các điểm thi trên địa bàn huyện Mộc Châu
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Sơn La năm 2021 kiểm tra phòng bảo quản đề thi tại các điểm thi trên địa bàn huyện Mộc Châu

Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự.

Để bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19, các địa phương đều đã bố trí điểm thi dự phòng, các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để sử dụng khi cần thiết; bố trí tối thiểu 2 cán bộ y tế (những kỳ thi trước chỉ bố trí 1 cán bộ y tế) ở mỗi điểm thi và huy động lực lượng làm công tác ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất.

Đặc biệt, năm nay, nhiều tỉnh thành đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thí sinh, cán bộ, giáo viên làm thi; một số địa phương còn ưu tiên tiêm vắc xin cho những đối tượng này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng thông tin thêm, nhiều giải pháp về phân luồng, phân tuyến nhằm siết chặt an toàn trường thi cũng đã được các địa phương triển khai. Nhiều địa phương có các hình thức hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho học sinh ở xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại".

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.