Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Thiêng liêng Đền Hùng giữa miền sông nước Cửu Long

N. Tâm - 15:41, 13/04/2022

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay thật ý nghĩa với Nhân dân TP. Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu long (ÐBSCL) nói chung vì công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ đã chính thức được khánh thành, mở cửa phục vụ đồng bào, du khách. Những câu chuyện về vườn cây, hiện vật trưng bày trong khuôn viên Đền Thờ và hơn hết, đã có đông đảo người dân đến thắp hương tưởng niệm Vua Hùng, cho thấy tấm lòng của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương hướng về cội nguồn dân tộc.


Hàng nghìn người dân khắp các tỉnh, thành về chiêm bái, thắp hương tưởng niệm Vua Hùng sau khi Đền Hùng được khánh thành tại TP. Cần Thơ
Hàng nghìn người dân khắp các tỉnh, thành về chiêm bái, thắp hương tưởng niệm Vua Hùng sau khi Đền Hùng được khánh thành tại TP. Cần Thơ

Từ khi khánh thành Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ (ngày 7/4/2022), hàng ngày Đền Thờ đón hàng chục ngàn lượt khách từ khắp nơi đến tham quan, dâng hoa, dâng hương kính nhớ các Vua Hùng.

Tham quan Ðền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ, ngoài ấn tượng với kiến trúc đẹp của các hạng mục như đền chính, nghi môn, nhà bia, cổng chính… du khách còn thích thú với không gian xanh, được trồng rất nhiều loại cây, từ cây gỗ quý, cây ăn trái đến cây kiểng trang trí… Vườn cây có rất nhiều cây xanh do lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ… trồng. Ngoài ra, vườn cây là biểu thị tấm lòng của người dân ÐBSCL hướng về Quốc Tổ.

Đến từ nơi cuối cùng của cực Nam Tổ quốc, ông Trương Thành Tài, quê ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau xúc động cho biết, sau khi ông được đi viếng Đền Hùng ở ngoài Bắc, trong lòng ông luôn tâm nguyện làm sao cho các con, cháu của mình được đến với Đền Hùng, biết về cội nguồn của dân tộc. “Vừa nghe có Đền thờ vua Hùng tại Cần Thơ khánh thành, tôi thuê một chiếc xe đi 200km cho các cháu ngoại và nội kính lễ vua Hùng và tham quan khu di tích. Lịch sử có dạy các cháu, gia đình cũng giáo dục nhưng trăm nghe không bằng tận mắt nhìn thấy sự trang nghiêm và thiêng liêng Đền Hùng”, ông Tài chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, quanh Đền Hùng là những loại cây trồng đặc trưng được các địa phương chọn mang bản sắc quê hương để cung tiến như tỉnh Vĩnh Long cung tiến 10 cây thanh trà với mong muốn gửi gắm hình ảnh địa phương trong khuôn viên Ðền thờ. Còn Tỉnh Ðồng Tháp tuyển chọn và trồng hàng mận xanh tốt, một trong những loài cây được trồng nhiều ở miệt vườn xứ Sen Hồng. Tỉnh Hậu Giang cung tiến hàng tre ngà với thân màu vàng óng, trồng ven hai bên đường chính, đoạn nhà bia. Tỉnh Tiền Giang chọn cung tiến 6 cây vú sữa Lò Rèn - loài cây ăn trái làm nên thương hiệu cho miệt vườn Tiền Giang từ trăm năm trước. Tỉnh Trà Vinh chọn 8 cây dầu để cung tiến, với những hàng dầu cổ thụ đã nổi tiếng gần xa, vậy nên địa phương chọn cung tiến loài cây này cũng mang ý nghĩa đặc biệt...

Chị Hạnh, anh Quý - đôi vợ chồng đến từ Hà Nội đã chia sẻ với chúng tôi: “Ngoài nét văn hoá truyền thống về những hiện vật, vật phẩm giống Ðền Hùng Phú Thọ, chúng tôi rất ấn tượng không gian về vườn cây với đủ loại đặc trưng của vùng sông nước. Sau này về Hà Nội, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn bè và người thân về những ấn tượng đẹp của vùng sông nước tại Đền Vua Hùng Cần Thơ, chúng tôi hy vọng vườn cây tại đây được phát triển nhiều hơn tạo nên Đền Thờ Vua Hùng liêng thiêng tại vùng cây trái Cửu Long”.

Dù lượng người rất đông nhưng không xảy ra chen lấn, mọi người rất trật tự và trang nghiêm
Dù lượng người rất đông nhưng không xảy ra chen lấn, mọi người rất trật tự và trang nghiêm khi đến viếng Đền Hùng

Những câu chuyện hướng về cội nguồn của những du khách gần xa minh chứng cho tấm lòng của Nhân dân, đồng bào hướng về tổ tiên, đó cũng là minh chứng sống động cho sức sống trường tồn và sức lan tỏa mãnh liệt của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết “Đảng Bộ, Chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ tiếp nối truyền thống Rồng – Tiên, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, ra sức rèn luyện tài – đức, phát huy trí tuệ và sức mạnh tổng hợp, cùng nhau đoàn kết vượt mọi khó khăn, nhạy bén đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc Hội; Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính Phủ về xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc Việt Nam…”.


Tin cùng chuyên mục
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.