Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thổ cẩm các dân tộc Tây Nguyên trước cơ hội mới : Người làm thổ cẩm không còn đơn độc (Bài 1)

Lê Hường - 08:39, 07/12/2023

Bên cạnh không gian văn hóa cồng chiêng và hệ thống nghi lễ, lễ hội, thổ cẩm các dân tộc Tây Nguyên mang những nét riêng đặc sắc. Thổ cẩm không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, mà còn là sợi dây gắn kết tình thân. Cùng với sự trợ lực về chính sách của Nhà nước, việc triển khai phù hợp thực tế của địa phương và sự nỗ lực của nghệ nhân, thổ cẩm đang đứng trước những cơ hội mới, tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Nghệ nhân H’Bạch dạy nghề dệt cho cháu gái
Nghệ nhân H’Bạch dạy nghề dệt cho cháu gái

Những nghệ nhân không thể bỏ nghề

Hơn 60 năm gắn bó với khung cửi, Nghệ nhân H’Bạch (74 tuổi), dân tộc Mạ ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia, Tp.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã truyền nghề đệt thổ cẩm truyền thống cho thế hệ con và cháu.

Nghệ nhân H’Bạch chia sẻ: “Theo phong tục của người Mạ, con gái ai cũng phải biết dệt, nên trước khi lập gia đình cô gái nào cũng được mẹ, bà truyền nghề dệt. Phụ nữ Mạ phải tự biết dệt những sản phẩm thổ cẩm làm lễ vật hỏi chồng. Có gia đình rồi thì dệt chăn, mền cho chồng, cho con đắp, dệt vải may đồ truyền thống cho gia đình”.

Từ khi 10 tuổi, nghệ nhân H’Bạch đã được học nghề kéo sợi, lên rừng lấy lá cây, củ nghệ, cây tràm về nấu nhuộm màu chỉ. Mê thổ cẩm, chỉ trong thời gian ngắn, cô gái H’Bạch đã dệt, biết nhuộm nhiều màu chỉ, phối hoa văn và dệt những sản phẩm thổ cẩm, may trang phục dùng trong gia đình. Nhiều năm gắn bó với khung cửi, sắc màu thổ cẩm, nghệ nhân H’Bạch am hiểu tường tận phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc Mạ.

Nghệ nhân H’Bạch cho biết: Thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào Mạ. Việc truyền nghề dệt thổ cẩm cũng không đơn giản ngày một ngày hai là biết. Phải kiên trì và có tâm huyết mới có thể học nghề và giữ nghề, bởi để dệt được tấm thổ cẩm có thể mất 1 tuần, 1 tháng, thậm chí có những tấm thổ cẩm phải mất cả năm trời mới dệt xong. Bù lại, những tấm thổ cẩm được dệt bằng chất liệu tự nhiên, đầu tư nhiều tâm sức để tạo ra hoa văn độc đáo giá trị của nó cũng cao gấp nhiều lần những tấm thổ cẩm bình thường. Có những tấm thổ cẩm được định giá bằng cả con trâu đực, nhưng tấm thổ cẩm như thế người Mạ giữ gìn như báu vật.

Gia đình nghệ nhân H’Bạch 3 thế hệ nối dài sợ thổ cẩm
Gia đình nghệ nhân H’Bạch 3 thế hệ nối dài sợ thổ cẩm

Am hiểu phong tục và mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống, nên khi con gái mới lớn, nghệ nhân H’Bạch đã truyền nghề để trước khi lập gia đình, con gái cũng tự làm ra những lễ vật thổ cẩm bắt buộc để hỏi chồng. Không chỉ truyền nghề, nghệ nhân H’Bạch truyền cả tình yêu với khung cửi, sợ chỉ, màu sắc hoa văn dân tộc mình.

Hiểu được ý nghĩa, giá trị của thổ cẩm truyền thống và sống được với nghề, nghệ nhân H’Bình truyền dạy cho con gái Trần H’Nhàn (16 tuổi) hiện đang là học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng dệt thổ cẩm. Sau 3 năm học, đến nay H’Nhàn đã dệt được hàng chục tấm vải thổ cẩm, có tấm bán được đến vài triệu đồng. Trần H’Nhàn là thế hệ thứ 3, trong gia đình 3, thế hệ giữ nghề dệt thổ cẩm của nghệ nhân H’Bạch.

Song hành cùng nghề dệt

Bảo tồn, duy trì nghề dệt song hành với phát triển kinh tế không chỉ vực dậy nghề dệt mà còn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ DTTS, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Dù ngày mùa bận rộn, các bà, các mẹ trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning, xã Dray B’hăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, vẫn tranh thủ dệt vải tạo ra những tấm thổ cẩm rặc rỡ sắc màu.

Chia sẻ với chúng tôi, bà H’Neo Bdap, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hra Ea Hning bảo: Ngày xưa, phụ nữ trong buôn hều hết đều biết dệt vải. Khi sản phẩm hoàn thành, lại rủ nhau đi bộ, đạp xe đạp đến các buôn xa hơn để bán. Tuy nhiên, việc dệt vải mất rất nhiều thời gian, mà buôn bán cũng khó nên chị em không để dựa vào nghề để sống mà chỉ làm tranh thủ lúc nông nhàn, còn thời gian vẫn tập trung trên nương rẫy. Từ nhỏ tôi và các chị em gái trong nhà đã được mẹ dạy cách dệt vải. Đến nay, tôi và 2 em gái tham gia Tổ hợp tác, hàng ngày dệt vải và có nguồn thu nhập ổn định từ thổ cẩm.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hra Ea Hning được thành lập năm 2021 với 6 thành viên là những người thợ dệt giỏi. Sau 2 năm, các thành niên Tổ hợp tác không chỉ làm sống lại nghề dệt truyền thống của buôn mà còn có nguồn thu nhập ổn định từ nghề dệt. 

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Tổ hợp tác liên kết với một nhà may lớn ở xã Ea Krur (huyện Cư Kuin), chuyên thiết kế trang phục từ thổ cẩm. Sản phẩm có đầu ra ổn định đã giúp mỗi thành viên trong tổ có thu nhập khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Nhờ nghề dệt, các thành viên trong tổ bớt đi phần nào gánh nặng kinh tế.

Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hra Ea Hning dệt tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn
Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hra Ea Hning dệt tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn

Miệt mài bên khung cửi tại nhà văn hóa cộng đồng buôn, bà HRưm Hmok (SN 1957) chia sẻ: bản thân bà biết dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ, nhưng sau này sản phẩm dệt ra không biết bán cho ai nên việc dệt cũng thưa dần. Trong khi đó, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, chồng bị tai nạn và không thể lao động nên mọi gánh nặng kinh tế đều đè lên đôi vai của bà. 

“Hai năm nay, tôi tham gia tổ hợp tác, ngoài lo việc nhà, chăm sóc chồng, con, tôi dành nhiều thời gian để dệt vải, trung bình mỗi tháng tôi có khoảng hơn 3 triệu đồng từ việc dệt để trang trải cuộc sống”, bà H’rưm bộc bạch.

Bà H’Neo chia sẻ: Niềm mong mỏi lớn nhất của các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hra Ea Hning là tập hợp nhiều người tham gia giữ và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Tranh thủ truyền dạy cách dệt thổ cẩm cho con gái, đến nay con gái đầu của tôi đã yêu thích nghề dệt. Thời gian rảnh hai mẹ còn lại ngồi dệt, tình cảm gia đình càng thêm thắm thiết.

Không những bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mang lại thu nhập cho phụ nữ DTTS mà thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên, đang từng ngày vươn xa bằng những câu chuyện mới.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.