Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Kiên Giang không được phá vỡ môi trường vì tầm nhìn ngắn hạn

PV - 23:38, 30/07/2019

Với chủ đề: “Kiên Giang-Tiềm năng và cơ hội đầu tư bền vững”, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 đã diễn ra sáng 29/7 tại TP. Rạch Giá với sự tham dự của gần 500 đại biểu là các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tìm hiểu thế mạnh, cơ chế, chính sách, danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến quy mô đầu tư vào Kiên Giang lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, bên cạnh các nhà đầu tư lớn cũng đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới tại tỉnh trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, du lịch…

Khái quát tiềm năng, thế mạnh của Kiên Giang, Thủ tướng đề cập đến vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng, rất thuận lợi để phát triển nền kinh tế hướng ngoại và hội nhập, là cửa ngõ quan trọng ra quốc tế; là tỉnh hiếm hoi có hai sân bay là Rạch Giá và sân bay quốc tế Phú Quốc.

Đặc biệt, Kiên Giang có tài nguyên biển quý giá, hệ sinh thái đa dạng với ngư trường rộng lớn, trữ lượng thủy sản phong phú; có 145 hòn đảo, năm quần đảo và hai huyện đảo, trong đó có 43 hòn đảo dân cư sinh sống…

Với tiềm năng sẵn có này, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế Kiên Giang có thể phát triển dựa trên ba trụ cột: nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đưa ra một tầm nhìn cho Kiên Giang trở thành một trong những tỉnh Tây Nam bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển; phát huy tốt nhất mọi tinh hoa của miền đất có nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc sắc, một không gian trải nghiệm du lịch nhiệt đới độc đáo, đẳng cấp quốc tế, hướng tới phát triển du lịch bền vững và bao trùm.

“Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác”, Thủ tướng nói và gợi ý, Phú Quốc nên tập trung vào những lợi thế so sánh cốt lõi là tài nguyên biển và tài nguyên sinh thái. Trong quá trình đó cần giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống.

Đưa ra một số nhiệm vụ cần triển khai, Thủ tướng lưu ý Kiên Giang cần tăng tốc thứ hạng môi trường kinh doanh bởi đây là năm thứ năm liên tiếp PCI của Kiên Giang tụt hạng.

“Với định hướng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thì chất lượng môi trường chính là thứ tài nguyên vô giá”, Thủ tướng nói và yêu cầu Kiên Giang tuyệt đối phải đảm bảo chất lượng môi trường, từ chất lượng nguồn nước cho đến đất đai và không khí phải thực sự tinh khiết và trong sạch, “kiên quyết không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên vì tầm nhìn ngắn hạn”.

Đáng chú ý, Thủ tướng đặt mục tiêu Kiên Giang phấn đấu tự chủ ngân sách và có đóng góp cho Trung ương bởi Kiên Giang hiện có nguồn thu ngân sách đứng thứ ba các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (sau Cần Thơ và Long An), là một trong số ít tỉnh có khả năng nhất của vùng.

Tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư và doanh nghiệp về đầu tư, phát triển trên một số lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch với tổng giá trị khoảng 150 ngàn tỷ đồng; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 20 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 40 ngàn tỷ đồng.

BTK(T/H)