Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh

Lê Vũ - 16:56, 13/05/2021

Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) về tình hình kinh tế - xã hội qúy I/2021 và giải quyết một số kiến nghị trọng tâm, cấp bách của Thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương.

Về phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong và các đồng chí lãnh đạo Thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết: Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận về báo cáo, đề xuất của Thành phố. Thủ tướng yêu cầu, cuộc họp có rất nhiều nội dung, thời gian lại có hạn, do đó, các đại biểu phải tập trung trí tuệ để cùng bàn bạc, tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Thủ tướng cũng lưu ý, Thành phố phải tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng chống COVID-19.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM trong 4 tháng đầu năm và công tác phòng chống dịch COVID-19. Ông Phong cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố 4 tháng qua có nhiều tín hiệu tích cực. Tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Thành phố đã đem lại hiệu quả trên nhiều mặt.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu vẫn là phòng chống dịch COVID-19. Nhận diện các nhóm nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn TP. HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: Chính quyền cũng đề ra nhiều phương án, giải pháp kiểm soát dịch. Trong đó, "nâng cao sàng lọc dịch bệnh cao nhất ở khu vực bệnh viện, khu công nghiệp, xét nghiệm hàng tuần thậm chí là hàng ngày với nhóm nguy cơ cao. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm nếu để người cách ly đi ra khỏi nhà" - ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép cơ sở lưu trú chứa chấp người nhập cảnh trái phép.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tại buổi làm việc


Để hoàn thành kế hoạch năm 2021, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên, trong những tháng còn lại, thành phố vừa tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, vừa tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra, triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế Thành phố. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phồ lần thứ XI. Chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Tiếp tục triển khai đồng bộ thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức và các quận huyện. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tập trung đẩy mạnh công tác điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060, đồng bộ với việc hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khởi công các dự án trọng điểm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch…

Tại buổi làm việc, TP.HCM đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Các kiến nghị liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố; công tác cổ phần hóa và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức; về quản lý đô thị…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước đóng góp 22% GDP quốc gia, tuy nhiên, sự phát triển của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, với vai trò, vị trí, lợi thế của Thành phố. Vì vậy, trong thời gian tới, Thành phố cần phải tạo ra động lực mới, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để đạt được những kết quả tích cực hơn trên tất cả các lĩnh vực, xứng tầm là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. 

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, "ủng hộ tối đa" kiến nghị của Thành phố về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của Thành phố. Chính phủ sẽ phối hợp với TPHCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vấn đề này. Với nguồn ngân sách tăng thêm, Thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược của Thành phố, ưu tiên tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị TP.HCM cơ cấu lại nền kinh tế; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm người yếu thế, bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19; quan tâm đến nhiệm vụ cải cách hành chính với những mô hình hay, cách làm hiệu quả…

Tổng sản phẩm trên địa bàn TP. HCM (GRDP) 3 tháng đầu năm đạt 329.636 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% (cùng kỳ giảm 2,6%), 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 11,7%; xuất khẩu hàng hóa 15,5 tỷ USD, tăng 14%. Lượng khách du lịch nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, tăng 17%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 1,1 tỷ USD, có 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95%. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ.