Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Trung Quốc với nhiều kết quả nổi bật, quan trọng và thiết thực

PV - 17:00, 17/09/2023

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự CAEXPO và CABIS đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả nổi bật, quan trọng và thiết thực trên nhiều mặt; đặc biệt là tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hội đàm trong không khí chân thành, hữu nghị, tin cậy và cởi mở - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hội đàm trong không khí chân thành, hữu nghị, tin cậy và cởi mở - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trưa 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 16 đến ngày 17/9/2023, theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20 thể hiện sự coi trọng của cả hai nước đối với quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ hợp tác Trung Quốc - ASEAN và quan hệ giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Thứ nhất, chuyến công tác của Thủ tướng đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã dành cho đoàn đại biểu Việt Nam sự tiếp đón nồng ấm, trọng thị, chu đáo tại "thành phố xanh" tươi đẹp Nam Ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Lưu Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Lưu Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhận lời mời của Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dự Hội chợ lần này thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta đối với quan hệ song phương với Trung Quốc, là hoạt động thiết thực kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng đã tiếp tục củng cố đà giao lưu, tiếp xúc cấp cao mật thiết giữa hai bên thời gian qua, góp phần tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kết quả các chuyến thăm Trung Quốc và dự WEF Thiên Tân của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (6/2023), chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định, lành mạnh với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Trung Quốc ủng hộ Việt Nam xây dựng và phát triển thành công chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình đất nước, sẵn sàng cùng Việt Nam không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hợp tác thực chất giữa hai bên. Thủ tướng Lý Cường đánh giá cao sự tham gia tích cực, hiệu quả và đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các kỳ CAEXPO và CABIS.

Thủ tướng tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung giữa hai đồng chí Tổng Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc cũng như những thỏa thuận, kết quả đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính (6/2023) và các chuyến thăm cấp cao khác.

Theo đó, hai bên cùng thúc đẩy tiếp xúc cấp cao và các cấp; tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân; duy trì phối hợp, hợp tác trong các cơ chế, diễn đàn đa phương; phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền.

Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc"; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Thứ hai, chuyến công tác thúc đẩy hợp tác thiết thực về kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giữa các địa phương Việt Nam với Quảng Tây - Trung Quốc nói riêng.

Trong trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc và Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh đều khẳng định sẽ mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam, duy trì giao thương thông suốt tại các cửa khẩu; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt giữa hai nước.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần phát huy ưu thế địa lý và sự bổ sung lẫn nhau để đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực phát triển cân bằng, bền vững; đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc CAEXPO và CABIS 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc CAEXPO và CABIS 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, mang lại lợi ích kinh tế và dân sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hai bên cần tăng cường kết nối giao thông và hạ tầng cửa khẩu biên giới, nghiên cứu hợp tác trong việc lập quy hoạch và xây dựng một số tuyến đường sắt ở khu vực phía Bắc Việt Nam; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa cả song phương và qua nước thứ ba.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên nỗ lực thúc đẩy hợp tác du lịch như trước dịch COVID-19; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Tán thành và đánh giá cao các đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chất lượng cao; mở rộng hơn nữa quy mô và nâng cao hiệu suất giao thương thông qua nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, kết nối chính sách, xây dựng cửa khẩu thông minh, thúc đẩy thanh toán bằng đồng bản tệ....

Thủ tướng Lý Cường cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của Trung Quốc tích cực trao đổi với Việt Nam để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể, cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Lý Cường cũng đề nghị hai bên tăng cường giao lưu nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống hữu nghị hai nước, nhất là đối với thế hệ trẻ; khẳng định Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích người dân đi du lịch Việt Nam, ủng hộ mở thêm các đường bay mới giữa hai nước và thúc đẩy triển khai các dự án viện trợ dân sinh, y tế, giáo dục tại Việt Nam.

Trong trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây Lưu Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa các địa phương hai bên và nêu 6 đột phá về hợp tác trên các lĩnh vực với Quảng Tây: Đột phá về hợp tác kết nối hạ tầng, trong đó tăng cường kết nối đường bộ cao tốc và đường sắt; thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư, mở mới và nâng cấp cửa khẩu, tạo điều kiện thông quan hàng hóa; triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu thanh niên, văn hóa, văn nghệ; hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực cửa khẩu; thực hiện tốt 3 văn kiện về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, triển khai tốt các hoạt động hợp tác giữa lực lượng chức năng hai bên trong việc phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu giữa lực lượng biên phòng, công an khu vực biên giới; hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, hạ tầng, năng lượng…, gồm Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc, Tập đoàn công nghệ Huawei, Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc.

Lãnh đạo các tập đoàn đều đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, khẳng định coi Việt Nam là thị trường quan trọng, bày tỏ quan tâm và mong muốn tham gia hợp tác, triển khai nhiều chương trình, dự án lớn tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc…

Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai trương khu gian hàng Việt Nam tại CAEXPO - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai trương khu gian hàng Việt Nam tại CAEXPO - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của các tập đoàn trong thời gian tới, phù hợp với đột phá chiến lược của Việt Nam về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số…; nhấn mạnh thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng Việt Nam, nếu các dự án khả thi, hiệu quả thì cần làm ngay; ngoài việc tham gia thi công xây dựng, Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn có thể tham gia đầu tư theo các hình thức phù hợp, hợp tác đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ, góp ý hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách… Thủ tướng mong các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, chú trọng văn hóa, đạo đức kinh doanh, quan tâm an sinh xã hội.

Theo Thủ tướng, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác, trao đổi thương mại, đầu tư còn rất nhiều dư địa; điều quan trọng là triển khai các dự án cụ thể, bảo đảm tiến độ và chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường…. Tinh thần là đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ rủi ro.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên thường vụ khu ủy, Trưởng ban Tổ chức khu ủy Quảng Tây (trái), Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam (phải) tham quan các gian hàng tại Hội chợ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên thường vụ khu ủy, Trưởng ban Tổ chức khu ủy Quảng Tây (trái), Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam (phải) tham quan các gian hàng tại Hội chợ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng nhân dịp này, các bộ, ngành, địa phương hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận, có nhiều hoạt động cụ thể để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, các địa phương đã khởi động xây dựng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh Hữu Nghị Quan - Hữu Nghị; vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, xây dựng nhà máy chế biến tại vùng biên giới giữa hai nước…

Thứ ba, chuyến công tác đóng góp tích cực cho thành công của Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, tạo ra cơ hội để hàng hóa Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN, đóng góp vào hợp tác và tăng trưởng kinh tế chung của khu vực, qua đó đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc.

Việt Nam là một thành viên tích cực đóng góp vào thành công chung của 20 kỳ CAEXPO và CABIS. Tại kỳ Hội chợ lần này, khu gian hàng thương mại Việt Nam có quy mô lớn nhất sau nước chủ nhà Trung Quốc, với sự tham gia của 120 doanh nghiệp, 200 gian hàng được trưng bày, với sản phẩm đa dạng, chất lượng cao thuộc các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và có tính bổ trợ cao với thị trường Trung Quốc và ASEAN.

Cùng đi với Thủ tướng có 4 bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế như Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ, ngành như Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo 7 tỉnh giáp biên với Trung Quốc và tỉnh Sơn La (địa phương tham gia Triển lãm "Thành phố đẹp" tại Hội chợ).

Thành phần đông đảo của đoàn đại biểu Việt Nam cùng với doanh nghiệp Việt Nam dự Hội chợ với quy mô lớn đã cho thấy sự coi trọng cao độ, nhu cầu và thiện chí của Việt Nam trong triển khai hợp tác sâu rộng, toàn diện với Trung Quốc cũng như với các nước ASEAN khác, cũng cho thấy tiềm lực, vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương trong khu vực.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua 20 năm, Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS là sự kiện quan trọng, uy tín về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN - Trung Quốc, đã trở thành biểu tượng và ngọn cờ dẫn dắt của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN.

20 năm qua đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc. Trung Quốc và ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất và đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu của nhau.

Thủ tướng thăm các gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thăm các gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp quan trọng của Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác và phồn vinh chung ở khu vực. Việt Nam ủng hộ sự hợp tác giúp đỡ trên tinh thần cởi mởi, chân thành, tin cậy, bình đẳng, kết nối vành đai con đường vì thịnh vượng chung của các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực phục hồi chậm, nhu cầu thúc đẩy hợp tác ngày càng tăng, hơn lúc nào hết, ASEAN và Trung Quốc càng cần tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, kiên trì mở rộng tinh thần hợp tác, thiện chí hợp tác và lợi ích hợp tác.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Trung Quốc, Chính phủ các nước ASEAN và chính quyền Quảng Tây thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, phấn đấu đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Trung Quốc vượt mức 1.000 tỷ USD.

Thủ tướng đề nghị các bên tiếp tục mở cửa thị trường; chống chủ nghĩa bảo hộ; thực hiện ở mức cao nhất các cam kết thương mại tự do như trong RCEP, CAFTA, phối hợp xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu đến trung tâm sản xuất và hệ thống tiêu thụ sản phẩm của mỗi nước, hợp tác nâng cao năng lực thích ứng với các tiêu chuẩn mới, thị hiếu mới, sản phẩm xanh. Thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Việt Nam mong muốn tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước ASEAN khẩn trương hoàn tất đàm phán nâng cấp phiên bản 3.0 Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; nâng cấp kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; đưa vào triển khai mở rộng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đầu tư, kinh doanh, giao thương, văn hóa, du lịch của cộng đồng doanh nghiệp và người dân mỗi nước.

Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối chiến lược phát triển, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, trong đó có tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, phối hợp các hình thức giao thông vận tải, nhất là đường sắt và đường bộ; lan tỏa và kết nối rộng hơn đến các nước ASEAN cũng như thông qua Trung Quốc để đưa hàng hóa của ASEAN đến với Châu Âu, Trung Á…

Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc và ASEAN tăng cường giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa, du lịch, hàng không, phấn đấu đưa hợp tác du lịch sớm khôi phục trở lại như trước dịch COVID-19; mở rộng du lịch bằng xe hơi, xe điện… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mới nổi, tạo nên những động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, vật liệu mới, kinh tế chia sẻ... Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc chủ động tìm hiểu, khai thác, giúp đỡ lẫn nhau tận dụng tối đa cơ hội có được từ CAEXPO và CABIS, biến tiềm năng, cơ hội hợp tác thành kết quả và sản phẩm cụ thể.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về quyết tâm cũng như cam kết của Việt Nam, các đề xuất hợp tác cụ thể về tăng cường kết nối chiến lược phát triển, kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, ổn định và bền vững, qua đó, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cùng có lợi giữa ASEAN và Trung Quốc lên tầm cao mới, hướng tới xây dựng một "Trung tâm tăng trưởng kinh tế ở khu vực" được các nước đồng tình, đánh giá cao.

Thành công của chuyến công tác khẳng định sự tin cậy chính trị cao độ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; góp phần tăng cường hợp tác thực chất giữa ASEAN và Trung Quốc, khẳng định sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc duy trì và tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những biến động bất lợi hiện nay; khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.