Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thống kê toàn quốc

PV - 11:54, 17/03/2022

Sáng 17/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thống kê toàn quốc với chủ đề "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả". Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ảnh: Trần Hải.
Ảnh: Trần Hải.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống Thống kê Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhân dân, Thống kê Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận thể hiện qua một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả. Minh chứng cho điều này chính là việc Luật Thống kê đã 3 lần được xây dựng và sửa đổi, các nghị định triển khai Luật Thống kê được ban hành ngay sau đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động thống kê được thông suốt.

Thứ hai, mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố. Trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê. Hơn 95% công chức, viên chức công tác trong hệ thống thống kê có trình độ từ đại học trở lên.

Mô hình của Tổng cục Thống kê được tổ chức theo ngành dọc gồm 3 cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp Trung ương (cơ quan Tổng cục Thống kê) gồm 13 Vụ, Văn phòng Tổng cục, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin và 5 đơn vị sự nghiệp; cấp tỉnh gồm các Cục Thống kê tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện gồm các Chi cục Thống kê tại các quận, huyện và thị xã.

Thứ ba, nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê.

Hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước.

Ảnh: Trần Hải.
Ảnh: Trần Hải.

Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế-xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu. Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời áp dụng trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương.

Thông tin thống kê kinh tế-xã hội được công bố và cung cấp đầy đủ theo lịch phổ biến thông tin thống kê đến đông đảo đối tượng sử dụng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, qua đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong quá trình cung cấp và sử dụng thông tin thống kê.

Thứ tư, hoạt động điều phối thống kê được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương.

Thứ năm, Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai trên phạm vi cả nước tạo nền tảng vững chắc cho công tác thống kê trước mắt và lâu dài.

Thứ sáu, hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam.

Thứ bảy, cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê được quan tâm, hỗ trợ tại Trung ương và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành góp phần xây dựng Chính phủ điện tử...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, hệ thống thống kê tập trung, thống kê Bộ, ngành và địa phương có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp thông tin thống kê nhà nước.

Thực hiện nhiệm vụ này, trong những năm qua, Thống kê Việt Nam với nòng cốt là Tổng cục Thống kê-Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai công tác thống kê, thực hiện Luật Thống kê và các nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, công tác thống kê tập trung cũng như thống kê Bộ, ngành và địa phương đã có những chuyển biến tích cực: Hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê được bổ sung, hoàn thiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, tổng hợp, phân tích và phổ biến thông tin thống kê được chú trọng. Hoạt động cung cấp, phổ biến thông tin thống kê được đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ, ngành và nhu cầu của người dùng tin, đặc biệt trong năm 2020 và 2021 vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực và nặng nề đến nước ta.

Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin được quan tâm, thể hiện qua việc nhiều bộ, ngành đã ký Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê; phối hợp hiệu quả trong triển khai thực hiện các cuộc Tổng điều tra và thực hiện các đề án lớn của ngành thống kê. Các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, triển khai kịp thời Luật Thống kê, đồng thời quan tâm củng cố, hoàn hiện tổ chức thống kê của bộ, ngành và địa phương.

Với quyết tâm xây dựng một bộ máy thống kê vững mạnh nhằm cung cấp thông tin hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị thống kê toàn quốc lần này có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm mục đích tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung; thống kê Bộ, ngành và địa phương thông qua việc đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: Chiến lược phát triển thống kê, Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê; Nghị định của Chính phủ về tổ chức thống kê bộ, ngành, đồng thời đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, để năm 2030 Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiến tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới như mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045./.