Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành nông nghiệp cần thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân phải tốt hơn

PV - 16:46, 29/12/2021

Chỉ đạo hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động. Ngành nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng với vai trò trụ đỡ trong năm 2021, cần quyết tâm hơn nữa, đặt mục tiêu cao hơn nữa cho năm 2022 về tăng trưởng và xuất khẩu. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2021, trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp, là trụ đỡ trong lúc khó khăn.Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2021, trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp, là trụ đỡ trong lúc khó khăn.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 29/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và nêu các kiến nghị, đề xuất. Các ý kiến đánh giá, ngành nông nghiệp đã thích ứng an toàn, từng bước vượt qua đại dịch. Tăng trưởng của ngành vẫn duy trì được ở mức tương đương mọi năm và còn cao hơn năm 2020, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đặt ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết hiện tốc độ phát triển nông nghiệp Lai Châu đứng tốp đầu của đất nước, vào khoảng 5%. Trong đó, tỉnh có những mặt hàng chủ lực như chè, quế và đặc biệt là mắc ca. Thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển thêm chăn nuôi đại gia súc và phát triển kinh tế dưới tán rừng như sâm Lai Châu, hoa địa lan.

Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuẩn hóa gắn với chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tỉnh Lai Châu kiến nghị ban hành Đề án phát triển cây mắc ca, bởi đây là cây lâm nghiệp đa mục đích, rất phù hợp với thổ nhưỡng Lai Châu; kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển rừng, nhất là kinh tế dưới tán rừng; hỗ trợ tỉnh phát triển các trung tâm giống, các công nghệ, kỹ thuật, quy trình canh tác…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, nhiều sản phẩm nông sản địa phương không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, điển hình như như Hoa Kỳ, châu Âu... Sản xuất nông nghiệp là điểm sáng của địa phương trong năm 2021 với mức tăng trưởng cao 6,9%, đặc biệt sản xuất vụ đông năm 2021 đạt mức tăng trưởng 8,7%. Với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số, vừa qua, Hải Dương đã đưa hơn 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thu về 1.400 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, năm 2019 đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% số xã sẽ đạt nông thôn mới nâng cao, năm 2021, tỉnh Đồng Nai có 61/120 xã đã đạt. Thu nhập bình quân của người nông dân đạt 61 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,09%. Đồng Nai kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản, vướng mắc trong quản lý đất nông lâm trường.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, năm vừa qua, Đồng Tháp duy trì xuất khẩu nông sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng trưởng đạt hơn 3%. Tỉnh cũng phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, ứng dụng và nhân rộng ra các địa phương, tạo sự lan tỏa giữa các HTX và hội quán.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập của người dân tỉnh Đồng Tháp còn thiếu bền vững. Tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu cơ chế đầu tư nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn; sớm ban hành khung pháp lý xử phạt mạo danh mã vùng, đảm bảo quyền lợi cho các bên về truy xuất nguồn gốc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm, khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm, khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng, phát huy vai trò trụ đỡ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản tán thành, đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, sát thực tế tại hội nghị. Dành thời gian phân tích đặc điểm, tình hình của năm 2021 với nhiều sự kiện chính trị quan trọng, dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp, Thủ tướng nêu rõ, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả quan trọng.

Trong điều kiện vô cùng khó khăn, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu cơ bản của năm 2021, duy trì tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, an sinh xã hội được quan tâm chú trọng. Theo thống kê bước đầu, thu ngân sách nhà nước cả năm vượt dự toán, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mức kỷ lục khoảng 660 tỷ USD và xuất siêu.

“Thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, điện đủ dùng, thị trường lao động được khắc phục sau khi đứt gãy”, Thủ tướng khái quát. Trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp, là trụ đỡ trong lúc khó khăn. Nông nghiệp tăng trưởng 2,85%, góp phần vào tăng trưởng dương của đất nước. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 48,6 tỷ USD là mức cao kỷ lục (vượt 6,6 tỷ USD so với chỉ tiêu được giao), thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 6,4 tỷ USD, góp phần quan trọng vào xuất siêu của cả nước. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là hơn 68,2%.

Với quan điểm nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực, ngành nông nghiệp có thêm nhiều tín hiệu đáng phấn khởi trong chuyển sang phát triển theo chiều sâu, bền vững. Nhận thức về vị trí vai trò của nông nghiệp được nâng lên. Đặc biệt, phần thu về của Việt Nam trong kim ngạch xuất khẩu nông sản cao so với nhiều mặt hàng khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nhiều người nông dân biết làm giàu bằng bàn tay, khối óc của mình.

Nguyên nhân của những thành tựu đạt được là ngành đã bám sát đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, hoạt động hợp tác quốc tế linh hoạt, thích ứng với tình hình mới.

Bên cạnh đó, các báo cáo, ý kiến đã thẳng thắn, cầu thị chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành. Thủ tướng nhấn mạnh thêm một điểm như ngành nông nghiệp phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, nhất là kinh tế biển. Ngành chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng mà vẫn còn bị động, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, khí hậu... đi cùng với công tác dự báo còn những hạn chế. Phát triển ngành chưa bền vững theo chiều sâu, chưa dựa nhiều vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Chưa thực sự chủ động linh hoạt để thích ứng với những diễn biến mới của tình hình. Chưa thực sự quan tâm công tác ứng phó với biển đổi khí hậu, giảm phát thải metan. Công nghệ sau thu hoạch, mẫu mã, bao bì sản phẩm... chưa được thực sự chú trọng, cần cố gắng nhiều hơn nữa. 

Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường. Chưa xây dựng được các thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế... Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Xuất nhập khẩu còn mất cân đối, như nhập khẩu ngô, đậu tương lên tới nhiều tỷ USD, thặng dư thương mại chưa cao. Việc bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, nguồn sinh thủy, tài nguyên nước còn nhiều bất cập, hạn chế, nạn phá rừng chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề liên quan biến đổi khí hậu ở ĐBSCL như sạt lở, sụt lún cần được quan tâm hơn. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo còn khó khăn.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, tìm ra nguyên nhân để khắc phục những hạn chế, bất cập trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Việc gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ giải quyết; việc gì thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo; việc gì vượt quá thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn

Nêu rõ năm 2022 có những cơ hội, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn, Thủ tướng yêu cầu phải lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm, cân đối nguồn lực và thời gian để triển khai bảo đảm khả thi, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác hơn, tổ chức thực hiện phải thiết thực, hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Muốn vậy, phải quyết tâm hơn nữa, đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2022, cụ thể là tăng trưởng từ 3% trở lên, xuất khẩu cao hơn năm 2021 bởi “trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”; bám sát tình hình thực tiễn để triển khai, cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương về phát triển nông nghiệp trong Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội đảng các cấp; coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp với tầm nhìn xa và tư duy đổi mới, sát thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ, phát hiện các điểm nghẽn, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ; Bộ NN&PTNT tập trung làm tốt công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật. Việc này gắn với nhiệm vụ nâng cao năng lực, trí tuệ, phẩm chất, uy tín của đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp, nhất là người đứng đầu để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị vào phát triển nông nghiệp

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm, khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Nhắc tới tình trạng ùn tắc nông sản tại một số cửa khẩu, Thủ tướng lưu ý giải pháp lâu dài, căn cơ là phải thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Liên quan tới quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng đã nhiều lần đề nghị hai bên cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa qua biên giới, nhất là các loại nông, thủy sản, hoa quả mùa vụ của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Thủ tướng cũng liên tục chỉ đạo các Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp cải thiện hoạt động thương mại với phía Trung Quốc, các tỉnh biên giới phải chủ động làm việc với các địa phương của Trung Quốc để có giải pháp phù hợp trong phòng chống dịch và xuất khẩu hàng hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải triển khai bài bản, đồng bộ các nhiệm vụ trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, dự báo thị trường, vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sau thu hoạch, giải pháp về thị trường, vốn cho người nông dân và doanh nghiệp… Đây là những vấn đề rất cơ bản cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế. “Không thể “đường mòn lối mở” mãi. Phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC, gỡ “thẻ vàng”, ngăn chặn, xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép, đồng thời xử lý tốt vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một nhiệm vụ khác là phải làm tốt công tác phòng chống dịch, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp phải tập trung thực hiện bằng được mục tiêu tiêm vaccine mà Chính phủ đã đề ra; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công thức, phương châm phòng chống dịch.

Thủ tướng lưu ý, tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, phải tính toán, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư để người nông dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành, địa phương làm tốt công tác thống kê để có số liệu đầu vào chính xác phục vụ hoạch định chính sách phù hợp, hiệu quả, sát thực tế, giải quyết các vấn đề yếu kém. Chủ động thông tin, không để khủng hoảng truyền thông.

Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở dự báo thật tốt về thị trường, tình hình liên quan, xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhất là tại ĐBSCL, có lộ trình giảm khí thải metan theo cam kết tại COP26 trong trồng trọt, chăn nuôi và phát triển rừng. Phát triển kinh tế vùng, xây dựng chuỗi sản phẩm, liên kết vùng, liên kết quốc tế.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế - đây là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Phải tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới, “làm ngày làm đêm, làm bằng được”; phát triển văn hóa, các thiết chế, chính sách liên quan tới văn hóa, cơ sở hạ tầng nông thôn, phát huy bản sắc từng vùng miền gắn với phát triển du lịch; bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn, làm sao để người nông dân không cần “ly nông, ly hương” vẫn có thể nâng cao đời sống, thu nhập, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.