Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

Việt Hùng - Duy Ly - 18:23, 07/12/2021

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong lĩnh vực phi nông nghiệp và Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp.


Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh; Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Võ Thành Thống;  đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cùng các địa phương tham dự qua 63 điểm cầu.

Các loại hình HTX phi nông nghiệp có nhiều bước tiến nổi bật

Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp cho thấy: Sau 20 năm KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động.

Các loại hình HTX lĩnh vực phi nông nghiệp có nhiều bước tiến nổi bật. Số lượng HTX, Liên hiệp HTX quy mô vừa và lớn, tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch Covid-19, mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Tính đến cuối năm 2021, lĩnh vực phi nông nghiệp trong khu vực KTTT của cả nước có 9.316 HTX, 16 Liên hiệp HTX, 44.226 Tổ hợp tác (THT), thu hút gần 3 triệu thành viên; vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 55 - 80% và có sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động với HTX nông nghiệp.

Về kết quả 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, từ khi Luật được ban hành, quy định về thủ tục hành chính từng bước được hoàn thiện. Công tác tổ chức và hướng dẫn đăng ký được cơ quan đăng ký HTX cấp tỉnh, huyện thực hiện đúng theo quy định của Luật; quy trình, thủ tục đăng ký HTX được niêm yết công khai.

Cùng với đó, các HTX từng bước nâng cao chất lượng thành viên, thu hút số lượng lớn các hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên HTX. Đến nay, có trên 80% thành viên thực hiện góp vốn vào HTX; vốn chủ sở hữu chiếm 72% tổng nguồn vốn của HTX. Có 91% HTX, Liên hiệp HTX huy động vốn từ thành viên, HTX thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Hiện doanh thu của các HTX ước đạt 74.669 tỷ đồng (tăng 16.173 tỷ đồng so với năm 2013), bình quân doanh thu đạt 8 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân của một HTX tăng 61,7% so với năm 2013. Giai đoạn 2013 - 2021 tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm của một lao động đạt 6,41%.

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển KTTT, HTX, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế KTTT, HTX trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Thúc đẩy phát triển KTTT, HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chia sẻ: Vùng đồng bào DTTS với dân số chiếm 14,7% dân số của cả nước, nhưng diện tích chiếm 3/4 diện tích của cả nước, nằm trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu 87% dân số sống ở vùng nông thôn. Nếu có được những mô hình HTX phát triển theo mô hình HTX kiểu mới sẽ tạo điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục quán triệt tổ chức tốt các quan điểm, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX; các kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, đưa KTTT thực sự là thành phần kinh tế quan trọng góp phần cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cũng đề nghị việc kịp thời rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật HTX năm 2012; tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thành phần KTTT để hỗ trợ thúc đẩy phát triển KTTT, HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các nguồn vay, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho Ban lãnh đạo các HTX ứng dụng vào phát triển khoa học công nghệ, cung cấp thông tin, kết nối thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với đó, cần quan tâm phát triển đồng bộ hạ tầng, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa, phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về HTX; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực xã hội hóa, huy động, thu hút, phát huy mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả, mở rộng vốn, ưu đãi đối với HTX, gia đình, cá nhân; gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường tạo gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương, vùng miền...

Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu chính - Hà Nội
Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu chính - Hà Nội

Các Chương trình mục tiêu quốc gia phải góp phần củng cố, phát triển HTX và KTTT

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các đề xuất, kiến nghị đã nêu trong báo cáo tổng kết và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: Mục đích tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 nhằm khẳng định tính đúng đắn và những kết quả đã đạt được đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có tài liệu, thông tin xác đáng, thuyết phục để kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xem xét, ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn KTTT, HTX. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tổng kết các căn cứ lý luận và thực tiễn để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả KTTT, HTX, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu trong triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, các kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị 11 của Ban Bí thư, xác định rõ vai trò quan trọng của KTTT, Luật HTX như Nghị quyết Trung ương 5 đã xác định là kinh tế Nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cần thiết phải tổng hợp và phân tích kỹ, có đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để kiến nghị xác đáng với Chính phủ, Trung ương nghiên cứu để ban hành nghị quyết mới, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012; tháo gỡ những nút thắt nhất về đất, vốn, về đào tạo, quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy sản xuất phát triển

Cho rằng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) phải góp phần củng cố, phát triển HTX và KTTT, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, phát triển KTTT là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.