Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng phụ trách kinh tế và CPTPP của Nhật Bản

PV - 19:55, 09/07/2024

Chiều 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Shindo Yoshitaka, Bộ trưởng của Văn phòng Nội các Nhật Bản, phụ trách Khôi phục kinh tế, Khởi nghiệp, Quản lý nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm, Cải cách chế độ an sinh xã hội cho toàn bộ lứa tuổi, Chính sách Tài chính - Kinh tế, đồng thời là Bộ trưởng phụ trách Hiệp định CPTPP của Nhật Bản.

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng phụ trách kinh tế và CPTPP của Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng phụ trách kinh tế và CPTPP của Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chúc sức khỏe tới Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản thời gian qua trong điều kiện khó khăn, tin tưởng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng với kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ trưởng thăm Việt Nam để thảo luận về tình hình triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hoạt động hợp tác song phương thời gian qua cũng như định hướng trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Shindo Yoshitaka đánh giá quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao. Năm 2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ, ủng hộ của Nhật Bản dành cho Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ, ủng hộ của Nhật Bản dành cho Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong suốt thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản được phát triển một cách sâu rộng, toàn diện và thực chất. Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA (với tổng vốn ODA đến nay gần 30 tỷ USD), thứ 2 về lao động (hiện có hơn 580.000 người Việt Nam tại Nhật Bản), thứ 3 về đầu tư (với 5.304 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,4 tỷ USD) và thứ 4 về thương mại (với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2023 đạt 45 tỷ USD).

Bên cạnh Hiệp định CPTPP, hai bên cũng là thành viên của nhiều FTA và khuôn khổ hợp tác kinh tế khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), và gần đây nhất là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự Thịnh vượng (IPEF). Những khuôn khổ hợp tác này đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và kinh doanh giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Thông báo những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua với những kết quả tích cực, toàn diện, Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ, ủng hộ của Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, hiện tại hai bên vẫn còn rất nhiều dư địa để khai thác những lợi thế, ưu đãi từ các khuôn khổ hợp tác mà hai bên là Thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP với vai trò là một FTA thế hệ mới bao hàm nhiều cam kết sâu rộng; đề nghị Bộ trưởng tiếp tục có nhiều đóng góp nhằm làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thương mại song phương giữa hai nước trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, hiện tại hai bên vẫn còn rất nhiều dư địa để khai thác những lợi thế, ưu đãi từ các khuôn khổ hợp tác mà hai Bên là Thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện tại hai bên vẫn còn rất nhiều dư địa để khai thác những lợi thế, ưu đãi từ các khuôn khổ hợp tác mà hai bên là Thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động hợp tác song phương giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực trên nền tảng quan hệ chính trị rất tốt đẹp, với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện".

Thủ tướng mong muốn hai bên nghiên cứu cơ chế để tạo đột phá hơn nữa trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy các thế mạnh bổ trợ của hai nền kinh tế.

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản thúc đẩy xem xét, tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam vào Nhật Bản, trước hết là quả bưởi Việt Nam - quả nho Nhật Bản; sau đó là quả chanh leo Việt Nam và quả đào Nhật Bản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất nhập khẩu của phía Nhật Bản.

Cùng với đó, hai bên trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các lĩnh vực mới nổi như phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…; đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác lao động, giáo dục, đào tạo nhân lực; hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số…; thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, du lịch, hợp tác giữa các địa phương.

Bộ trưởng Shindo Yoshitaka cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn; đánh giá cao tình cảm, sự coi trọng quan hệ mà phía Việt Nam dành cho Nhật Bản và những nỗ lực, đóng góp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong thúc đẩy quan hệ hai nước trên các cương vị công tác.

Bộ trưởng chia sẻ một số nét lớn về chính sách kinh tế - xã hội của Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay và khẳng định cá nhân ông sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Việt Nam, nhất là trên cương vị Bộ trưởng phụ trách kinh tế, đặc biệt là những lĩnh vực, nội dung, các ngành mũi nhọn mà Thủ tướng đã đề cập.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sinh sống, học tập, làm việc; khẳng định phía Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm đào tạo lao động về trình độ, kỹ năng nghề, hiểu biết văn hóa, pháp luật… để đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác lao động trên tinh thần "cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".

Bộ trưởng Shindo Yoshitaka đánh giá cao nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam và cho biết phía Nhật Bản sẽ tiếp tục đổi mới chính sách tiếp nhận và đẩy mạnh hợp tác đào tạo để Nhật Bản trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa với thực tập sinh, lao động Việt Nam và thực tập sinh, lao động Việt Nam tại Nhật Bản có thể phát huy tối đa khả năng, đổi mới sáng tạo…

Trao đổi về việc thực thi CPTPP và việc gia nhập Hiệp định của các nền kinh tế khác, Thủ tướng và Bộ trưởng Shindo Yoshitaka cho rằng sự quan tâm gia nhập ngày càng lớn của nhiều nền kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới cho thấy sức hút của Hiệp định.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp với nhau và với các thành viên CPTPP khác trong các hoạt động thực thi Hiệp định và trong quá trình xem xét đơn xin gia nhập của các nền kinh tế khác, trên cơ sở bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn cao của Hiệp định, phù hợp với mong muốn của tất cả các nước thành viên trên nguyên tắc đồng thuận; giúp mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, đưa Hiệp định đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong thương mại khu vực và toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục
Thủ đô Hà Nội văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng giá trị cao quý của dân tộc

Thủ đô Hà Nội văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng giá trị cao quý của dân tộc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng những chiến công, thành tích đã đạt được; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do. Chúng ta tự hào vì có Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam.