Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thủ tướng: Tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng tốt hơn

PV - 14:33, 02/10/2020

Sáng 2/10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan và dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thủ tướng chúc mừng Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận nhiệm vụ mới

Trước khi bắt đầu phiên họp,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đảm nhận nhiệm vụ mới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Thủ tướng đánh giá, có quá trình công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Chu Ngọc Anh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Trong nhiệm kỳ này, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí Chu Ngọc Anh đã có đóng góp, nhất là về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (chỉ số đổi mới sáng tạo của nước tăng nhiều bậc trong năm vừa qua), chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Bộ thường xuyên, có kiểm tra, đôn đốc, đạt kết quả tốt.

Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thảo luận, thống nhất cử đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng của đồng chí Chu Ngọc Anh và tin tưởng, với kinh nghiệm công tác, đồng chí sẽ nỗ lực hết sức mình để xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước.

Bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là giây phút đặc biệt đối với mình. Trong suốt chặng đường vừa qua, Bộ trưởng đã cùng với ngành khoa học công nghệ nỗ lực bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng để đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn.

Đồng chí Chu Ngọc Anh bày tỏ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trên cương vị mới, nhận thức được niềm tin mà Đảng, Nhà nước gửi gắm để cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội để đưa Thành phố phát triển toàn diện và bền vững.

Tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng tốt hơn

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tinh thần không chủ quan với dịch bệnh; đồng thời đánh giá việc kiểm soát tốt dịch bệnh 30 ngày qua không có ca lây nhiễm trong cộng đồng là cố gắng rất lớn của ngành y tế, quân đội, công an và các địa phương. Thủ tướng cũng đánh giá cao thành tích thi đua của các ngành, các cấp chào mừng Đại hội Đảng bộ; biểu dương ngành giáo dục đã tổ chức tốt 2 kỳ thi tốt nghiệp PTTH và nhất là việc thí sinh Việt Nam đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế gần đây.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Phiên họp lần này với quãng đường 2/3 năm 2020, Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình trung ương và Kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc trong tháng 10 này, Thủ tướng đánh giá, tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng tốt hơn, nhất là tháng 9 và quý III có sự tăng trưởng tốt. Đặc biệt các ngành quan trọng nông nghiệp, công thương, các lĩnh vực kinh tế tổng hợp, tài chính, ngân hàng, an sinh xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và năm 2020.

Thủ tướng cho biết, quý III tăng trưởng 2,62 %, là cơ sở để khẳng định năm 2020, Việt Nam tăng trưởng dương với mức từ 2%. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực suy giảm kinh tế. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng cũng cho biết, xuất siêu trên 17 tỷ đôla là con số kỷ lục trong bối cảnh nhập khẩu bị hạn chế. Thu hút đầu tư nước ngoài mặc dù trong khó khăn nhưng với nhiều hình thức phù hợp đã đạt trên 21 tỷ đô la.


Việt Nam phục hồi tăng trưởng trong trong bối cảnh quốc tế đang suy thoái kinh tế nặng nề. Các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhất là CPI tiếp tục giảm, chỉ còn 3,85 %. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại rất mạnh mẽ. Xuất khẩu tăng 10%, tăng 4,2 % so với cùng kỳ. Đặc biệt ấn tượng là doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trên 20%; trong đó ngành nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu trên 41 tỷ đô la Mỹ với nhiều nhà máy chế biến, nhiều mặt hàng nông sản và đặc biệt là khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời Hiệp định EVFTA.


Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 60% kế hoạch là mức cao nhất từ trước đến nay. Ba khu vực nhà nước, tư nhân và FDI trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trong khó khăn.


Thủ tướng khẳng định vai trò bệ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp trong khó khăn. Nguồn lương thực, thực phẩm của Việt Nam dồi dào, năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha bình quân cả nước. Nông dân Việt Nam từ Nam chí Bắc được mùa, được giá sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh. Nhiều mặt hàng tăng rất cao như vải tăng 15% , điều tăng 18 %...Từ năm 2017 đến nay, đã có 60 nhà máy chế biến vào sản xuất. Năm 2020 này đã có 12 cơ sở nhà máy chế biến nông nghiệp đưa vào sản xuất chế biến lớn.


Thủ tướng cho biết, nếu như năm 2016 thiệt hại rất lớn do hạn mặn nhưng 2019 nhờ chuyển đổi sớm nên chỉ thiệt hại dưới 7 % so với 2016. Năm nay, chúng ta cương quyết chỉ đạo sớm, chủ động hơn để giảm thiểu thiệt hại hạn mặn. Sản xuất công nghiệp 9 tháng khởi sắc, tăng 3,8 % mở ra hy vọng phục hồi tăng trưởng mạnh trở lại vào quý IV tới đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 4,9 % so với cùng kỳ, thị trường dần ổn định, xu hướng kinh doanh tốt; có 81% doanh nghiệp đánh giá tình hình sẽ tốt hơn trong quý IV theo điều tra mới nhất.


Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo. Đặc biệt số hộ thiếu đói giảm 75,5% so với cùng kỳ. Lao động việc làm quý III phục hồi tăng 1,5 triệu người là mức tăng kỷ lục. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh nhưng tình hình trật tự xã hội nhìn chung ổn định, các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. 


Thủ tướng vui mừng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng đến dịch bệnh, nhưng chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI do Nikkei đánh giá của Việt Nam đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9 so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam, cao nhất ASEAN. Điều này cũng cho thấy kết quả từ sự quyết tâm của Chính phủ, của các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.  

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Về một số những tồn tại, Thủ tướng cho biết, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn như dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hàng không, vận tải. Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều khó khăn. Việc thực hiện hiệu quả, khả thi Nghị quyết 42 cũng là vấn đề cần được đặt ra.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nhận xét mức tăng trưởng hiện nay là rất thấp so với tiềm năng và kỳ vọng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đi liền với đó là tích cực chuyển đổi số trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường tính tự lực, tự cường trong phát triển đất nước, nhất là trong năm 2021.

Theo chương trình, tại phiên họp này, Chính phủ cũng sẽ xem xét, thảo luận công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021, tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử và một số nội dung khác...