Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thừa Thiên Huế: Đồng bào các DTTS vững niềm tin đi đến tương lai

Minh Ngọc - Hà Thiên - 11:45, 12/07/2024

Được đánh giá là một trong những địa phương triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sớm và hiệu quả, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nằm trong tốp đầu của cả nước. Nhờ đó, diện mạo vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế có những chuyển biến tích cực, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đây cũng là thành quả từ việc thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III, năm 2019 đã đề ra.

Diện mạo một ""đô thị miền núi" ở khu trung tâm huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế).
Diện mạo một "đô thị miền núi" ở khu trung tâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trợ lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Thừa Thiên Huế  có 46 xã miền núi có đồng bào DTTS sinh sống, với trên 54 ngàn người gồm các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Hoa, Mường, Thái và Thổ. Toàn tỉnh có 2 huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới và 3 huyện, thị xã có đồng bào DTTS sinh sống là Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà.

Trong 5 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh như Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới...

Chỉ tính riêng nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, trong 2 năm 2022 - 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ hơn 370 tỷ đồng (riêng năm 2023 là hơn 200 tỷ đồng). Cộng thêm nguồn vốn đối ứng của địa phương, 10 Dự án trong Chương trình MTQG 1719 được triển khai đồng bộ. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cấp xã luôn phát huy vai trò của người dân trong các dự án thuộc Chương trình MTQG. Từ khâu lập kế hoạch lựa chọn công trình đến khâu triển khai, giám sát thi công đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. 

Theo đó, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong tốp đầu của cả nước. Nguồn vốn được giải ngân đúng tiến độ đã tác động tích cực đến đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Nhờ các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện A Lưới luôn chính quyền và Nhân dân quan tâm, phát huy.
Nhờ các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, công tác bảo tồn giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện A Lưới đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp, tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân được 80%, riêng vốn kéo dài từ năm 2022 giải ngân 96% nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 09/01/2024 về thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1035/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 V/v phê duyệt mô hình tiên tiến thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2024 - 2025; Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 3/6/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc Chương trình MTQG 1719.

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế còn ban hành: Kế hoạch 11/KH-BDT ngày 19/01/2024 kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 12/KH-BDT ngày 22/01/2024 về Đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp trong triển khai Chương trình MTQG 1719 năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 19/KH-BDT ngày 02/02/2024 thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 và Tiểu dự án 1, Dự án 10 thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 36/KH-BDT ngày 28/02/2024 triển khai, thực hiện “Chương trình 3 phát triển năng lực thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng” thuộc Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.  

Tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2024 là 265,038 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 253,956 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 11,082 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương là 124,630 tỷ đồng, đã phân khai 95, 824 tỷ đồng, vốn chưa phân khai là 28,806 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương là 129,326 tỷ đồng, đã phân khai 100%. 

Cùng với đó vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh là 11,082 tỷ đồng, giải ngân đến 30/4/2024 là 3,045 tỷ đồng, chiếm 27,5%. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc tỉnh  đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà. Ban Dân tộc đã có những kiến nghị về việc tiếp tục quan tâm chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG, trọng tâm là các dự án lớn như Dự án quy hoạch sắp xếp bố trí ổn định dân cư Quảng Nhâm, Dự án Làng văn hóa các DTTS huyện A Lưới...

Đồng bào ở A Lưới khai thác tốt du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế.
Đồng bào ở A Lưới khai thác tốt du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế.

Ngoài các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành nhiều chính sách riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững trong vùng DTTS và miền núi như: Các chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nghề cho con em đồng bào DTTS; huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách khác để tạo thêm nguồn lực trợ giúp các thôn, bản đặc biệt khó khăn cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho Nhân dân…

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các chương trình MTQG, các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS  trong những năm qua. Việc sử dụng linh động có hiệu quả nguồn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đã khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc.

Từ việc triển khai hiệu quả các dự án, chính sách dân tộc mà kết cấu hạ tầng từ trung tâm huyện đến các xã được đầu tư khang trang; diện mạo nông thôn vùng DTTS ngày càng khởi sắc; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt, số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi tăng từ 36 triệu đồng/người/năm vào năm 2022 lên 38,5 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm (huyện A Lưới giảm 16,31%, giảm từ 40,71% xuống còn 24,4%; huyện Nam Đông giảm 4,32%, giảm từ 6,94% xuống còn 2,62%).

Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt giúp đồng bào DTTS ở Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế
Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt giúp đồng bào DTTS ở Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế (Ảnh TL)

Vững niềm tin đi đến tương lai

Có thể khẳng định, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình MTQG nói chung, Chương trình MTQG 1719 nói riêng đã và đang trở thành động lực quan trọng giúp các địa phương có đông đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện về mọi mặt. Đơn cử như huyện A Lưới từng được xếp vào danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước, đến đầu năm 2024, Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo. Là một huyện vùng cao miền núi có hơn 75% dân số toàn huyện là đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu... được thụ hưởng đầy đủ các chính sách dân tộc, người dân nơi đây dần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Nhiều hộ dân trở thành tấm gương sáng trong đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương như hộ ông Hồ Viết Ái Duy, xã Quảng Nhâm với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ; bà Hồ Thị Sa, xã Đông Sơn với mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò hữu cơ; Nguyễn Hải Teo với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, trồng dược liệu, trồng chuối; Nguyễn Thị Thúy Kiều, xã Lâm Đớt với mô hình trồng rừng và chăn nuôi; Hồ Văn Thắng, xã Hồng Thượng với mô hình nuôi bò, cá, trồng rau hữu cơ... đem lại thu nhập cao.

Một góc huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay (Ảnh TL)
Một góc huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay (Ảnh TL)

Tương tự, huyện Nam Đông đã triển khai thực hiện 12 chương trình, chính sách, đề án dành cho vùng DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn 4,2 %, trong đó có 190 hộ nghèo (chiếm 2,6 2%), cận nghèo 115 hộ (chiếm 1,58 %). Thu nhập bình quân đầu người đạt 44,8 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có 7/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã vùng đồng bào DTTS.

Qua các phong trào thi đua yêu nước, vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, từ trong lao động, giáo dục và đào tạo đến chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh... Những chính sách dành cho đồng bào DTTS thực sự đã đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tác động tích cực đến ý thức và thay đổi hành vi của người dân vùng đồng bào DTTS trong thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, bảo vệ môi trường. Từ đó tạo điều kiện để người dân nỗ lực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Các họat động văn hóa của đồng bào các DTTS ở tỉnh Thừa Thiên Huế được gìn giữ, phát huy, trở thành tài nguyên để phát triển du lịch.
Các họat động văn hóa của đồng bào các DTTS ở tỉnh Thừa Thiên Huế được gìn giữ, phát huy, trở thành tài nguyên để phát triển du lịch.

Hướng tới Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 7/2023, gần 200 đại biểu các DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đại diện cho trên 54.000 người DTTS trên địa bàn tỉnh tham dự Đại hội lần này sẽ đồng lòng thực hiện quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV đề ra nhằm góp phần đưa vùng DTTS và miền núi của tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Bình: Đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS

Quảng Bình: Đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS

Vượt qua nhiều khó khăn do đặc thù về địa hình, địa bàn cư trú của đồng bào các DTTS, cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được tiến hành đúng quy trình, đảm bảo chất lượng thông tin thu thập và vượt tiến độ.